Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Ba bộ vào cuộc điều tra kho nhôm khổng lồ được nghi là của tỷ phú Trung Quốc tuồn vào Việt Nam

Trung tuần tháng 5, đoàn kiểm tra với sự tham gia của 3 Bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành thanh kiểm tra kho nhôm được nghi do tỷ phú Trung Quốc sở hữu.

Ngày 25/4, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về vấn đề cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Việc kiểm tra này nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 3207/VPCP-KTTH ngày 3/4/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc kiểm tra làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành thanh kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời gian kiểm tra dự kiến vào trung tuần tháng 5/2017.

Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam (tên tiếng Anh: Global Vietnam Aluminum Co), đóng tại KCN Mỹ Xuân B1-Conac, huyện Tân Thành.

Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam đang đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do 2 người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc là ông Jacky Cheung (35 tuổi) và ông Wang Tong (36 tuổi) làm chủ đầu tư. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỷ đồng, ông Wang Tong đóng góp gần 4.500 tỷ đồng.

Công ty được Ban quản lý KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp gấy phép đầu tư, thời gian hoạt động là 37 năm, kể từ năm 2011.

Hiện tại nhà máy sản xuất của Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam đang gấp rút được xây dựng.

Từ cuối năm ngoái, Tờ Wall Street Journal đã thông tin về 500 nghìn tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được âm thầm chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam. Theo đó, đã dẫn đến nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của kho nhôm khổng lồ được canh phòng cẩn thận tại một nhà máy ở Vũng Tàu.

Số hàng này sau đó được ông Trần Văn Danh, cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận với báo chí là của công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam.

Điều tra của Wall Street Journal đã đặt nghi vấn số nhôm xuất phát từ Mexico hiện ở Việt Nam có liên quan đến 1 trong những người giàu nhất Trung Quốc là ông Liu Zhongtian, chủ tịch Công ty nhôm China Zhongwang Holdings.

Các doanh nghiệp Nhôm của Mỹ đã cáo buộc ông Liu chuyển hàng đến Mexico để che giấu nguồn gốc xuất xứ nhằm trốn thuế.

Hiện tại, theo thuế suất ở Mỹ, nhôm đùn có nguồn gốc Trung Quốc bị đánh thuế chống phá giá lên đến 374% trong khi nếu xuất xứ là Việt Nam thì thuế này chỉ là 5%. Phía Wall Street Journal qua nghiên cứu sổ sách và vận chuyển cho rằng số nhôm ở Việt Nam có liên quan đến công ty của ông Liu và gia đình ông này.

Vụ vận chuyển nhôm lớn từ Mexico đến Việt Nam trùng hợp với đợt gia tăng khối lượng nhôm nhập khẩu vào Việt Nam từ hai nước là Trung Quốc và Mỹ. Hàng hóa chủ yếu đi qua các cảng biển gần với các cơ sở làm ăn của ông Liu ở Việt Nam.

Theo Đức Minh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Một trang trại nuôi lợn sạch ở Trung Quốc vừa được rót khoản vốn đầu tư trị giá 23 triệu USD

Theo tờ Yicai, chuyên trang về kinh doanh tại Trung Quốc, trang trại nuôi lợn Weiyang rộng 800.000 m2 và 20.000 đầu lợn đã nhận được khoản đầu tư 23 triệu USD từ nhiều công ty nổi tiếng. Thông tin này đã gây sự chú ý của giới đầu tư khi thị trường lợn Trung Quốc gần đây có nhiều biến động.

Chủ của trang trại này là anh William Ding, tỷ phú có tài sản 15 tỷ USD và là nhà khởi nghiệp sáng lập nên hãng Netease với tổng mức vốn hóa 35 tỷ USD.

Tập đoàn JD, đối thủ của Alibaba cùng Sinovation Ventures và Meituan Dianping góp vốn cho dự án nuôi lợn này của nhà sáng lập Ding.

Với mục tiêu tập trung vào công nghệ sạch và bảo vệ môi trường, anh Ding đã sáng lập nên trại chăn nuôi lợn này vào năm 2012 chuyên nuôi giống lợn đen từ đảo Jeju- Hàn Quốc vốn có hương vị thơm ngon hơn thịt lợn thường.

Mặc dù ban đầu dự án này không được xây dựng nhằm cung cấp nguồn lợi nhuận ổn định cho danh sách đầu tư của anh Ding cũng như hỗ trợ các dự án công nghệ khác nhưng trang trại lợn này đã chứng minh được giá trị của chúng. Một con lợn đen tại đây đã từng được bán đấu giá thành công 40.000 USD trên thị trường và giá mỗi cân thịt của chúng vào khoảng 8-12 USD, cao hơn nhiều mức 4 USD/kg của lợn thường trên thị trường hiện nay.

Hiện Trung Quốc là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới với sản lượng gấp đôi toàn Liên minh Châu Âu (EU) và gần gấp 5 lần Mỹ. Ngoài ra, quốc gia này cũng tiêu thụ đến 50% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu.

BT

Theo Thời Đại

Đọc tiếp »

Tổng thống Trump lần đầu công du nước ngoài

Ngày 4/5, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Trump sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Israel, Vatican và Saudi Arabia trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Trump sẽ tham dự hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussel, Bỉ, vào ngày 25/5 và Hội nghị thượng định G7 tại Sicily, Italy. Thông tin cụ thể về các chuyến thăm của tổng thống Mỹ vẫn chưa được nói rõ.

Việc Tổng thống Donald Trump tham dự một hội nghị của NATO gây bất ngờ cho nhiều người. Ông từng nhiều lần chỉ trích NATO và cho rằng khối này đã lỗi thời. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng phê bình cách thành viên NATO và yêu cầu họ chi trả nhiều hơn cho mức chi tiêu của tổ chức.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng hôm 12/4, ông Trump nói: "Ngài Tổng thư ký và tôi đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng về những điều NATO có thể làm nhiều hơn nhằm chống khủng bố. Tôi từng phàn nàn về điều này, họ đã thay đổi và giờ họ chống khủng bố. Tôi nói NATO lỗi thời nhưng giờ không còn lỗi thời nữa".

Cuối tuần này, ông Trump lần đầu tiên trở lại thành phố New York với tư cách tổng thống Mỹ và có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trước khi dành hai ngày cuối tuần tại một câu lạc bộ golf.

Tổng thống Mỹ vừa kết thức 100 ngày đầu tiên với số lượng thành tựu "khiêm tốn". Ông chưa thực hiện những lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Bên cạnh đó, ông bị nhiều người phản đối khi ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm cấm công dân của một số nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Theo Thế Long

Zing News

Đọc tiếp »

Giải cứu chăn nuôi lợn: Không phải cứ cho vay để càng nuôi càng lỗ

Hiện có hơn 500 nghìn khách hàng là bà con nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn đang còn vay nợ ngân hàng.

Ngày 4/5, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, phóng viên đã hỏi lãnh đạo Chính phủ rằng, ngoài vấn đề lợn không bán được thì bà con rất quan tâm tới vấn đề lãi suất ngân hàng hiện nay đang phải gánh chịu. Vậy Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những chỉ đạo như thế nào đối với việc giảm lãi suất cho bà con nông dân đang gặp khó khăn?

Trả lời câu hỏi này, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi lợn trong thời gian vừa qua là một vấn đề được xã hội hết sức quan tâm. Nhưng cũng rất mừng tới thời điểm hiện nay giá đã bắt đầu nhích lên, việc giải cứu đã có được các biện pháp hết sức tích cực.

Đại diện NHNN cung cấp thông tin thêm rằng, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng, số chính sách là 29.344 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679 tỷ, chiếm 57%, với số lượng bà con hộ nông dân và DN kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết.

Như vậy, có thể nói vấn đề nuôi lợn với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ.

Ngay từ khi có câu chuyện các DN và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ thì NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là 364,7 tỷ đồng.

Quan điểm của NHNN là sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo ngay các ngân hàng thương mại: Đối với DN, bà con nông dân, do điều kiện giá thịt lợn đang giảm, tiêu thụ khó khăn thì tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm tức là giữ nguyên nhóm 1, với mức thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, về vấn đề hỗ trợ lãi suất, việc này cũng căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để bảo đảm làm sao hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.

"Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu nên đối với những DN, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ", Phó thống đốc nhấn mạnh.

Theo Ngọc Toàn

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Tổng thống Donald Trump chính thức mời Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ

Hiện cơ quan ngoại giao hai nước đang thu xếp nội dung cụ thể cho chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...

Tại cuộc họp báo chiều 4/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quốc gia này. Hiện cơ quan ngoại giao hai nước đang thu xếp nội dung cụ thể cho chuyến thăm.

Trước đó, tại cuộc hội đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ngày 20/4, Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã chuyển thư của ông Donald Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã trực tiếp trao thư và chuyển lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 và thăm chính thức Việt Nam tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và ông McMaster.

Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định ông Trump sẽ thăm và tham dự hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam vào tháng 11 tới.

Vào ngày 14/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi ông vừa đắc cử.

Cũng tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng đã thông báo một số hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong tháng 5 này, trong đó hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2017 được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia) từ ngày 11-12/5; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm Nhật Bản và đồng chủ trì phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản từ ngày 8-10/5.

Ngoài ra, từ ngày 8-15/5, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ thăm chính thức Mông Cổ; thăm và làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tại Tokyo, Nhật Bản.

Theo Song Hà

Vneconomy

Đọc tiếp »

Không cần phải "bêu tên", đây là cách xử lý của chính phủ Anh khi một cơ quan chậm trễ nộp báo cáo tài chính

Tìm hiểu nguyên nhân bản chất của câu chuyện 13 cơ quan chậm nộp báo cáo, chuyên gia kế toán Anh chỉ rõ vấn đề quay về những quy định về luật và chuẩn mực kế toán tại Việt Nam.

Mới đây, báo cáo của Bộ Tài chính công bố cuối tháng 3, với sự yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ thẳng tên tuổi của 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính của 6 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể, 13 cơ quan này bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ; tỉnh An Giang; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Bắc Giang; tỉnh Cao Bằng; thành phố Cần Thơ; tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Kon Tum; tỉnh Phú Yên; tỉnh Quảng Trị; tỉnh Sơn La.

Sáng ngày 4/5, chủ đề này đã một lần nữa được nhắc đến bởi các chuyên gia nước ngoài trong buổi hội thảo ‘Chuẩn mực kế toán công quốc tế và báo cáo tài chính của Chính phủ” diễn ra tại Hà Nội.

Tuy nhiên giải pháp ‘bêu’ tên của các cơ quan chậm nộp báo cáo giám sát tài chính như ở Việt Nam không phải là cách được nhiều nước thực hiện để đối phó với tình trạng các cơ quan hay chậm trễ trong nộp báo cáo.

Ví dụ, trong buổi hội thảo, các chuyên gia thuộc Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) kể câu chuyện rằng ở Anh, khi một cơ quan chậm nộp báo cáo thì Chính phủ sẽ làm nhiều biện pháp rất mạnh tay để khiến tình trạng trên không xảy ra nữa.

Có thể kể ra một trường hợp gần nhất là Bộ Giáo dục của Anh đã chậm nộp báo cáo tài chính. Trước khi bị xử lý, Bộ này đã từng nộp chậm báo cáo năm và phải xin gia hạn nộp cho Chính phủ.

Cuối cùng, Bộ Giáo dục Anh đã bị xử lý bằng cách “Một đơn vị chuyên rà soát báo cáo tài chính các đơn vị Nhà nước ở Anh đã xem báo cáo của Bộ Giáo dục và triệu tập đích thân bộ trưởng cùng giám đốc tài chính của Bộ Giáo dục lên giải trình trước Quốc hội xem lý do gì, chậm trễ ở đâu và kế hoạch sang năm ra sao để khắc phục” – theo lời ông Henning Diderichs, quản lý báo cáo tài chính công ICAEW chia sẻ.

Quay về với trường hợp 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Việt Nam bị ‘bêu’ tên vì không nộp báo cáo, vị chuyên gia của ICAEW thể hiện cảm giác thú vị trước cách giải quyết của Chính phủ Việt Nam. Theo ông Henning Diderichs, cái khó với Việt Nam là vẫn chưa có một đơn vị đủ sức ép để yêu cầu các cơ phải nộp báo cáo đúng hạn.

Vì thế, nguyên nhân cơ bản của câu chuyện 13 cơ quan chậm nộp báo cáo quay về những vấn đề của luật và chuẩn mực kế toán Việt Nam.

“Chỉ có một cách duy nhất là quy định trong luật, ngoài ra không có cách nào khác,” ông Diderichs nói

Nói rộng hơn, vị chuyên gia của ICAEW nhấn mạnh việc cần có được một hệ thống kế toán minh bạch, thống nhất và gia tăng trách nhiệm giải trình. Điều này theo ông là điều kiện tất yếu giúp các đơn vị công cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra được những quyết định quan trọng.

Một trong những báo cáo quan trọng ở Anh theo ông là báo cáo tài chính hợp nhất của Chính phủ. Đây là bộ báo cáo tài chính đại diện cho toàn bộ Chính phủ nhằm nhìn toàn cảnh tài sản, nợ phải trả, chi tiêu, các dòng thu nhập chính,…

Hiện tại, theo quy định tại luật Việt Nam thì nếu một cơ quan chậm nộp báo cáo thì cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm và cách chức đối với cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là động lực phát triển chủ đạo của khu vực trung du miền núi phía Bắc

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai: Động lực phát triển cho cả Lào Cai, cực phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc hay cửa ngõ kết nối ASEAN với khu kinh tế Tây Nam, Trung Quốc.

Trong thế kết nối giữa kinh tế của các nước Đông Nam Á với khu vực kinh tế miền Nam Trung Quốc và rộng hơn là thế giới, tỉnh Lào Cai ở phía Tây Bắc nước ta đóng một vai trò trọng yếu. Vì thế mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt một quy hoạch mở rộng cho khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, trực thuộc tỉnh Lào Cai.

Đây được đánh giá là một quy hoạch khá quy mô, được tính toán đến năm 2040 và mang tầm nhìn đến năm 2050. Với quy hoạch này, khu vực kinh tế cửa khẩu Lào Cai hứa hẹn sẽ trở thành động lực phát triển chủ đạo của toàn tỉnh miền núi Lào Cai, cũng như của toàn khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Trước đây, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, nằm trong nhóm 9 khu vực kinh tế cửa khẩu được Chính phủ quan tâm xây dựng, vẫn được biết đến như một khu vực rộng 79,7 km2, bao gồm cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu Mường Khương và trải dài trên nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên theo như quy hoạch mới, diện tích lập quy hoạch của khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ lên đến gần 160 km2, nghĩa là gấp đôi so với diện tích cũ. Đồng thời, phạm vị lập quy hoạch của khu kinh tế cửa khẩu sẽ bao gồm địa giới hành chính của 3 phường, 24 xã; 1 thị trấn với 89 thôn thuộc thành phố Lào Cai và 4 huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai.

Cùng với đó, nếu như cho đến hiện tại, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai mới bao gồm các phân khu thương mại, và ít ỏi các khu công nghiệp, dịch vụ thì trong tương lai, khu kinh tế cửa khẩu này được định hướng trở thành một khu kinh tế cửa khẩu đa ngành. Những sự kỳ vọng đang được đặt lên việc phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, biến nơi đây trở thành một trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Với tất cả những sự mới mẻ trên, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có thể sẽ một điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai nói riêng và trở thành một cực phát triển mạnh mẽ trong khu vực các tỉnh miền trung du miền nói Bắc Bộ nói chung.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập và với vị trí của mình, một trung tâm kinh tế năng động xuất hiện tại khi tinh tế cửa khẩu Lào Cai sẽ đồng thời đóng vai trò vừa là nơi có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, vừa là một Trung tâm giao thương của khu vực ASEAN kết nối với vùng kinh tế Tây Nam Trung Quốc.

Từ đó, nếu có được vị thế này, đời sống của cư dân tỉnh biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc này chắc chắn sẽ chứng kiến những sự cải thiện đáng kể.

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »