Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Cả nước có 13 tỉnh thành đóng góp ngân sách, cải cách tiền lương cách nào?

Về vấn đề cải cách tiền lương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng có nhiều khó khăn do ngân sách Nhà nước eo hẹp. “Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương để phân bổ cho các tỉnh còn lại. Trong khi đó, giá dầu thô giảm làm thu ngân sách Trung ương giảm liên tục...”

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết như vậy tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh, ngày 8/10.

Trả lời những băn khoăn, kiến nghị của cử tri về công tác xây dựng pháp luật, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội Khóa XIII đã nỗ lực rất lớn để thông qua Hiến pháp năm 2013 và sau đó là hơn 100 luật để cụ thể hóa Hiến pháp, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Riêng Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các nhà quản lý, chuyên gia đã tiếp tục rà soát, phát hiện các lỗi sai để sửa đổi. “Tuy là lỗi kỹ thuật, không ảnh hưởng đến quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng nhưng nếu đưa vào thực thi cũng sẽ gây ra trở ngại khó khăn cho xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và khẳng định Quốc hội, Chính phủ sẽ bảo đảm chất lượng sửa đổi của bộ luật quan trọng này.

Chia sẻ với những lo lắng của cử tri về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng , lãng phí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng luôn coi trọng thực hiện và các cơ quan Nhà nước sẽ xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để đấu tranh với loại tội phạm này.

“Tới đây, Chính phủ sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, lãng phí để đề xuất với Quốc hội các giải pháp căn cơ hơn”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Trung ương sẽ thảo luận, ra nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, trong đó có vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp. Trung ương sẽ bàn thảo về vấn đề tích tụ ruộng đất để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn bảo đảm sự phát triển của kinh tế hộ gia đình, trang trại trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 thông qua Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với nhiều giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Đối với xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tích cực chỉnh sửa căn cơ 19 tiêu chí nông thôn mới, tập trung vào các tiêu chí nâng cao thu nhập, bảo đảm an toàn, an ninh cho nhân dân và tăng cường phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các vấn đề phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trước yêu cầu của cử tri về bảo đảm đời sống và tiền lương cho công chức, viên chức, Phó Thủ tướng cho rằng phải quyết tâm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và đời sống của công chức, viên chức.

“Cả nước có 8 triệu người, tương ứng 10% dân số hưởng lương từ ngân sách trong đó có 600.000 công chức, 2,2 triệu viên chức giáo dục, 2,1 triệu cán bộ cấp xã và hưởng phụ cấp từ ngân sách, 3 triệu người hưởng lương hưu và phụ cấp người có công. Ta đang thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về tinh giản bộ máy để nâng cao chất lượng và lương cán bộ, một người làm nhiều việc”, Phó thủ tướng cho biết.

Về vấn đề cải cách tiền lương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng có nhiều khó khăn do ngân sách Nhà nước eo hẹp. “Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương để phân bổ cho các tỉnh còn lại. Trong khi đó, giá dầu thô giảm làm thu ngân sách Trung ương giảm liên tục. Năm 2016 dự toán 60 USD/thùng nhưng giá sau 9 tháng mới chỉ được 43 USD/thùng... Chưa kể thiên tai, hạn hán tác động tới nền kinh tế làm sụt giảm nguồn thu từ sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp. Do đó để tăng lương thì phải triệt để tiết kiệm chi tiêu ở các cấp, các ngành”, Phó thủ tướng nói.

Đề cập tới việc thực hiện chính sách hỗ trợ, bồi thường thiệt hại đối với sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây nên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cử tri của Hà Tĩnh cần tạo dựng đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tới chính sách của Nhà nước.

Sau khi xảy ra sự cố, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 722/QĐ-TTg và một số chỉ đạo hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Nay sau khi hoàn thành thống kê thì Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ bồi thường cho 7 đối tượng kể cả gián tiếp và trực tiếp.

“Ai cũng muốn nhanh hơn nhưng trên thực tế, một thiệt hại nhỏ thống kê đã phức tạp rồi, sự cố này liên quan tới 4 tỉnh, nhiều thành phần, nhiều lĩnh vực thì việc thống kê là rất phức tạp. Ta không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Nên mặc dù các cơ quan rất tích cực nhưng không thể nhanh được. Mấy hôm tới, số tiền 3.000 tỷ đồng ứng trước hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp sẽ được phân bổ tới các địa phương. Ta phải tạo đồng thuận xã hội trong việc này”, Phó thủ tướng nói.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân gặp thiệt hại, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành xử lý môi trường biển bảo đảm sinh kế lâu dài cho dân; tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển tàu cá công suất lớn, tàu dịch vụ hậu cần gắn với xây dựng các tổ, đội đánh bắt thủy sản để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Theo Mạnh Nguyễn

Bizlive

Đọc tiếp »

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Không thể để nông nghiệp mãi thiệt thòi!

Nông nghiệp làm được nhiều điều cho kinh tế, nhưng Nhà nước đang hỗ trợ nông nghiệp ít hơn những gì ngành này đáng được hưởng!

Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bên lề một cuộc hội thảo về tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa cách đây ít hôm.

Bà Phạm Chi Lan cho biết, dù cho không gian chính sách của Việt Nam đã bị “thu hẹp” hơn so với trước đây bởi những cam kết khi hội nhập nhưng Chính phủ vẫn có những khoảng trống tận dụng được tại thị trường trong nước. Trong đó, bà đặc biệt đề cập đến việc hỗ trợ cho ngành nông nghiệp.

“Tôi muốn nhấn mạnh cái mà chúng ta cần tận dụng trong thời gian tới là hỗ trợ đối với nông nghiệp”, bà Chi Lan nói.

Bởi theo vị chuyên gia này, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác đồng thời có một vị trí quan trọng về mặt dân sinh.

Cụ thể hơn 65% dân số Việt Nam vẫn sống ở nông thôn và vẫn dựa vào nông nghiệp; 48% lực lượng lao động Việt Nam đang làm việc trong khu vực này. Ngoài ra, cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất.

“Nông nghiệp nếu thoạt nhìn có vẻ như chúng ta bị thua các nước khác, tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, thì Việt Nam vẫn có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực này”, bà Chi Lan nhận định.

Do vậy, bà cho rằng đây là lĩnh vực cần hơn cả để nghiên cứu sâu, định hình rõ ràng những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Không chỉ thay đổi, hỗ trợ ngành nông nghiệp vì tính cạnh tranh trên trường quốc tế, bà Chi Lan còn chỉ ra đây là việc bắt buộc phải làm vì nông nghiệp đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết.

“Gần như chúng ta phải thay hoàn toàn cách làm nông nghiệp so với trước đây bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Từ thực tế ở Việt Nam đã đặt ra các vấn đề như tài nguyên thiên nhiên cần được khai thác hiệu quả, nuôi dưỡng về lâu về dài chứ không phải là tận diệt như bây giờ”, bà nói.

Bà Chi Lan cũng chỉ ra việc khoa học công nghệ cũng thay đổi liên tục đòi hỏi nông nghiệp có sự chuyển mình mạnh mẽ vì nếu không nông nghiệp Việt Nam không có cách gì đáp ứng được các chuẩn trên thế giới.

Mặt khác, theo bà Chi Lan, yêu cầu của người tiêu dùng trong nước về tính an toàn của nông sản cũng là yêu cầu lớn mà nông nghiệp cần làm vì đấy là nhu cầu tất yếu, là sinh mạng mà mấy chục triệu người dân, tương lai nòi giống Việt, đòi hỏi đó đặt nông nghiệp trước những thách thức lớn nên nông nghiệp cần phải tối đa không gian chính sách cho nông nghiệp.

“Việt Nam là nước đang phát triển nên vẫn được dùng 10% tổng sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ trở lại cho ngành nhưng từ trước đến giờ đã bao giờ chúng ta đã dùng hết chưa, chúng ta dùng thấp hơn rất nhiều. Nông nghiệp làm được nhiều cho ngành kinh tế, nhưng chúng ta lại đang hỗ trợ ít hơn những gì ngành đáng được hưởng. Thiệt thòi lắm!”, bà Phạm Chi Lan thở dài.

Theo Đức Minh

CafeF/Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

20 năm nữa, Việt Nam sẽ như thế nào?

Thu nhập bình quân đầu người đạt 7.000 USD, đa số người dân sống tại khu vực đô thị hay tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP... là những kỳ vọng về một Việt Nam thịnh vượng sau 20 năm nữa.