Tìm hiểu nguyên nhân bản chất của câu chuyện 13 cơ quan chậm nộp báo cáo, chuyên gia kế toán Anh chỉ rõ vấn đề quay về những quy định về luật và chuẩn mực kế toán tại Việt Nam.
Mới đây, báo cáo của Bộ Tài chính công bố cuối tháng 3, với sự yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ thẳng tên tuổi của 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính của 6 tháng đầu năm 2016.
Cụ thể, 13 cơ quan này bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ; tỉnh An Giang; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Bắc Giang; tỉnh Cao Bằng; thành phố Cần Thơ; tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Kon Tum; tỉnh Phú Yên; tỉnh Quảng Trị; tỉnh Sơn La.
Sáng ngày 4/5, chủ đề này đã một lần nữa được nhắc đến bởi các chuyên gia nước ngoài trong buổi hội thảo ‘Chuẩn mực kế toán công quốc tế và báo cáo tài chính của Chính phủ” diễn ra tại Hà Nội.
Tuy nhiên giải pháp ‘bêu’ tên của các cơ quan chậm nộp báo cáo giám sát tài chính như ở Việt Nam không phải là cách được nhiều nước thực hiện để đối phó với tình trạng các cơ quan hay chậm trễ trong nộp báo cáo.
Ví dụ, trong buổi hội thảo, các chuyên gia thuộc Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) kể câu chuyện rằng ở Anh, khi một cơ quan chậm nộp báo cáo thì Chính phủ sẽ làm nhiều biện pháp rất mạnh tay để khiến tình trạng trên không xảy ra nữa.
Có thể kể ra một trường hợp gần nhất là Bộ Giáo dục của Anh đã chậm nộp báo cáo tài chính. Trước khi bị xử lý, Bộ này đã từng nộp chậm báo cáo năm và phải xin gia hạn nộp cho Chính phủ.
Cuối cùng, Bộ Giáo dục Anh đã bị xử lý bằng cách “Một đơn vị chuyên rà soát báo cáo tài chính các đơn vị Nhà nước ở Anh đã xem báo cáo của Bộ Giáo dục và triệu tập đích thân bộ trưởng cùng giám đốc tài chính của Bộ Giáo dục lên giải trình trước Quốc hội xem lý do gì, chậm trễ ở đâu và kế hoạch sang năm ra sao để khắc phục” – theo lời ông Henning Diderichs, quản lý báo cáo tài chính công ICAEW chia sẻ.
Quay về với trường hợp 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Việt Nam bị ‘bêu’ tên vì không nộp báo cáo, vị chuyên gia của ICAEW thể hiện cảm giác thú vị trước cách giải quyết của Chính phủ Việt Nam. Theo ông Henning Diderichs, cái khó với Việt Nam là vẫn chưa có một đơn vị đủ sức ép để yêu cầu các cơ phải nộp báo cáo đúng hạn.
Vì thế, nguyên nhân cơ bản của câu chuyện 13 cơ quan chậm nộp báo cáo quay về những vấn đề của luật và chuẩn mực kế toán Việt Nam.
“Chỉ có một cách duy nhất là quy định trong luật, ngoài ra không có cách nào khác,” ông Diderichs nói
Nói rộng hơn, vị chuyên gia của ICAEW nhấn mạnh việc cần có được một hệ thống kế toán minh bạch, thống nhất và gia tăng trách nhiệm giải trình. Điều này theo ông là điều kiện tất yếu giúp các đơn vị công cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra được những quyết định quan trọng.
Một trong những báo cáo quan trọng ở Anh theo ông là báo cáo tài chính hợp nhất của Chính phủ. Đây là bộ báo cáo tài chính đại diện cho toàn bộ Chính phủ nhằm nhìn toàn cảnh tài sản, nợ phải trả, chi tiêu, các dòng thu nhập chính,…
Hiện tại, theo quy định tại luật Việt Nam thì nếu một cơ quan chậm nộp báo cáo thì cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm và cách chức đối với cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét