"Vì sao Nhật Bản phương tiện ô tô nhiều như thế nhưng tai nạn rất ít. Cũng do giáo dục mà ra", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ví dụ về tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên trong buổi làm việc với Hội cựu giáo chức Việt Nam vào sáng nay.
Thủ tướng cho rằng nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công.
Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thủ tướng cho rằng, muốn xã hội phát triển thì không chỉ xóa đói giảm nghèo nhanh mà cần bền vững, một yếu tố rất quan trọng là nhờ vào giáo dục. Chân, thiện, mỹ hay ý thức con người đều từ giáo dục.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng lấy Nhật Bản làm ví dụ. Tại Nhật Bản môn nghiên cứu xã hội (hay còn được biết đến là Đức dục) là môn quan trọng thứ 2 sau môn Tiếng Nhật, đứng trên mọi môn khác như toán lý hóa sinh…
Mục đích GDĐĐ của Nhật là nhằm bảo tồn giá trị xã hội để truyền lại cho thế hệ sau. Giáo dục Đạo đức ở Nhật Bản được quản lý nghiêm ngặt và có 6 mục tiêu rèn luyện nên một con người có: Tinh thần tôn trọng nhân phẩm và lòng yêu quý cuộc sống; Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống và sáng tạo văn hóa giàu tính cá nhân; Tinh thần nỗ lực hình thành và phát triển một xã hội và đất nước dân chủ; Có đóng góp cho sự phát triển một thế giới hòa bình; Có thể tự quyết định một cách độc lập; Có ý thức đạo đức: Kỷ luật, tự kiềm chế, tinh thần tập thể....
Ba trọng điểm của giáo dục Đạo đức Nhật Bản bao gồm: Lòng tôn trọng cuộc sống- Quan hệ cá nhân và cộng đồng- Ý thức về trật tự dọc (Kỷ luật xã hội). Ý thức về trật tự dọc là tôn ti xã hội nghiêm ngặt và là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế- xã hội của quốc gia Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu khiến giáo dục Nhật Bản thành công là do chính trật tự dọc này. Nó đã chuyển hóa vào các đơn vị cơ sở của xã hội, bao gồm cả trường học.
Được thành lập năm 2004, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Hội giáo chức và là kênh quan trọng trong chính sách phát triển giáo dục của đất nước, đặc biệt là chính sách, chế độ đối với các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy ở các trường hoặc đã nghỉ hưu.
Thủ tướng bày tỏ và mong muốn Hội tiếp tục hoạt động tích cực, có nhiều đóng góp, thực hiện tốt mục tiêu phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng lực trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tạo điều kiện để hoạt động của Hội thiết thực, hiệu quả cao hơn; có cơ chế thích hợp để lắng nghe được nhiều hơn các ý kiến đóng góp quý báu cho ngành giáo dục.
Mới đây trong công văn số 5610/BKHĐT-TH do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các Bộ ngành Trung ương và địa phương, các tập đoàn tổng công ty khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Giáo dục cũng là 1 trong 3 mũi nhọn đột phát cần tiếp tục đẩy mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 bao gồm:
Một là, Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.
Hai là, Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Ba là, Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét