Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do vào cuối năm 2015 và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Những ưu thế chính của Hiệp định nêu trên là gì?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định FTA mà Việt Nam và EU đã thống nhất mang tính toàn diện, chất lượng cao và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Với đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương là tính bổ sung mạnh mẽ, ít lĩnh vực cạnh tranh đối đầu, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho doanh nghiệp hai bên. Một số lợi ích chính là:
Với cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có thể mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ, ... của Việt Nam và ô tô, máy móc-thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới, ... của EU.
Về thương mại dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính-ngân hàng, phân phối, vận tải, v.v.
Các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU nói chung và việc cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.
Hơn nữa trong Hiệp định này, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ mức độ cao, chính sách cạnh tranh, v.v... Các cam kết này cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng; đồng thời đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định, v.v. hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Bộ trưởng mong đợi điều gì về việc mở cửa với một trong những thị trường chính trên thế giới?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chiếm 1/4 khối lượng hàng hóa dịch vụ được giao thương trên toàn thế giới, là nhà đầu tư lớn nhất tại ASEAN, EU là đối tác truyền thống nhưng vẫn vô cùng tiềm năng đối với Việt Nam. Việt Nam vẫn luôn coi trọng và đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nên kỳ vọng đối với thị trường EU tập trung ở 3 lĩnh vực sau:
Tăng trưởng kim ngạch giao thương hai chiều nhảy vọt: EU được đánh giá là một thị trường EU rộng lớn và tiềm năng với hơn 500 triệu dân đặc biệt ưa chuộng các mặt hàng mà Việt Nam vốn có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê…. Có những mặt hàng ví dụ như dệt may, hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU mới chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu người tiêu dùng.
Ngược lại, nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến của EU sẽ là nguồn cung tin cậy cho máy móc thiết bị, công nghệ hay một số nguyên liệu đầu vào mà hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu từ các thị trường khác với giá cả và chất lượng kém cạnh tranh hơn.
Theo hải quan Việt Nam, kim ngạch song phương Việt Nam – EU đạt 45,07 tỷ USD năm 2016 với tốc độ tăng trưởng 8,93% so với 2015. Việc thực thi các cam kết mở cửa thị trường có khả năng thúc đẩy kim ngạch hai chiều đạt khoảng 100 tỷ USD/năm.
Thu hút đầu tư từ 28 nước thành viên EU: Hiện nay EU là nhà đầu tư lớn nhất ở một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hay ngay trong khu vực ASEAN nhưng chưa phải là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. EVFTA với các cam kết vô cùng cởi mở, tiến bộ đảm bảo một môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn tại Việt Nam; độ mở cửa của Việt Nam ra thị trường thế giới; tính liên kết chặt chẽ với các thị trường trong khu vực khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành; cùng với trình độ phát triển kinh tế ngày càng cải thiện hơn của Việt Nam. Tất cả những điều kiện trên sẽ là đường dẫn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam.
Cuối cùng, việc mở cửa thị trường, đảm bảo thực hiện các cam kết đã ký tạo ra động lực cũng như sức ép cải cách đối với nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt buộc phải tự đổi mới, tự cải thiện năng lực của mình. Chính phủ Việt Nam cũng có động lực để đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý để đáp ứng kịp với tốc độ và nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam, tác động cộng hưởng của EVFTA và các FTA đã ký là rất lớn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường có FTA.
Hiện nay những lĩnh vực nào là lĩnh vực hứa hẹn nhất và những lĩnh vực nào sẽ được gọi là nững lĩnh vực hứa hẹn trong tương lai?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc một lĩnh vực có được coi là hứa hẹn hay không tùy thuộc vào lợi thế cạnh tranh của mỗi bên. Đối với cả Việt Nam và EU, có thể nói thương mại hàng hóa sẽ là lĩnh vực hứa hẹn nhất hiện nay do việc xóa bỏ thuế quan sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vốn đã và đang phát triển mạnh mẽ giữa hai bên.
Đối với EU, đầu tư và một số ngành dịch vụ thế mạnh như tài chính-ngân hàng, phân phối, vận tải, v.v. sẽ được hưởng lợi ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Việt Nam cũng sẽ có lợi ích từ nguồn đầu tư chất lượng cao của EU.
Trong tương lai, mua sắm của Chính phủ sẽ là lĩnh vực hai bên có thể khai thác dần. Trước mắt, các doanh nghiệp EU sẽ có nhiều khả năng tham gia và thu được lợi ích từ hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ công của Việt Nam sớm hơn các doanh nghiệp Việt Nam do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Ngoài ra, di chuyển thể nhân cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho cả hai bên.
Một số nội dung khác như minh bạch hóa, cải cách thể chế, cạnh tranh, v.v. tuy không có tác động trực tiếp về mở cửa thị trường nhưng các cam kết và quy định mà Việt Nam và EU đã thống nhất sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan, có tác động lâu dài, sâu rộng và tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp hai bên khai thác lợi ích từ Hiệp định.
Những kỳ vọng của Việt Nam trong khu vực là gì?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo thống kê của Ủy ban Liên minh châu Âu, trong năm 2015, Việt Nam là đối tác Thương mại lớn thứ 2 của Liên minh châu Âu tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, với tỷ trọng 19,1% trong tổng kim ngạch thương mại giữa EU và ASEAN. Khi Hiệp định EVFTA được ký kết và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu. Điều này không chỉ vì Việt Nam có tiềm năng mà còn là đầu mối của thị trường ASEAN trong tương lai nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành cuối năm 2015. Việt Nam sẽ trở thành cầu nối hữu hiệu giữa hai khu vực EU và ASEAN.
Qua đây, vị thế của Việt Nam cũng sẽ được nâng tầm hơn trong quan hệ thương mại quốc tế cũng như với EU nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại Việt Nam.
Theo T.Nguyễn
Trí thức trẻ