Các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới.
Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được nêu trong Thông báo số 180/TB-VPCP.
Nước ta có tiềm năng lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Lúa gạo có vai trò không thể thay thế của nông nghiệp Việt Nam và cây lúa vẫn sẽ là sinh kế quan trọng của đa số nông dân. Phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Để lúa gạo đem lại giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn về dinh dưỡng và dược liệu. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất lúa gạo; tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho người trồng lúa và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Thúc đẩy mô hình cánh đồng lớn
Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cần khẩn trương điều chỉnh quy mô sản xuất lúa theo hướng mở rộng hạn điền phù hợp, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người trồng lúa; thúc đẩy phát triển mô hình cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Hỗ trợ liên kết sản xuất hợp tác với các doanh nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị; từng bước giảm số lao động nông nghiệp, chuyển sang ngành nghề khác.
Đồng thời, rà soát quy hoạch sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lúa theo hướng sử dụng linh hoạt đất trồng lúa phù hợp với mục tiêu an ninh lương thực, tình hình thị trường và biến đổi khí hậu; cho phép chuyển đổi linh hoạt những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả, vùng bị nhiễm mặn sang nuôi tôm, trồng các loại cây khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; cần tính toán nhu cầu trong nước, mức tăng trưởng hàng năm về nhu cầu của thế giới, khả năng vươn lên tự sản xuất của một số nước và khả năng vươn lên của gạo Việt Nam để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với từng giai đoạn.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
Thủ tướng cũng yêu cầu phải đổi mới quản lý khoa học công nghệ trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường; nghiên cứu sản xuất lúa gạo hướng tới đa mục tiêu, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng cơ giới hóa, sử dụng vật tư nông nghiệp do Việt Nam sản xuất; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục tình trạng sử dụng bất hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.
Chú trọng xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện đại phục vụ tưới tiêu, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng khác, hướng tới áp dụng cơ chế thị trường về giá nước trong sản xuất để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả hơn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, duy trì phát triển các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo mới, tiềm năng; xây dựng hệ thống thông tin thị trường, kịp thời giải quyết các rào cản kỹ thuật với các nước liên quan; xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và thương hiệu của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh cả trên thị trường trong nước và thế giới; cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các "nút thắt" về thể chế, tạo "sân chơi" bình đẳng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Theo Phương Nhi
Chinhphu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét