Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Nhân viên ngân hàng lập đường dây lừa đảo

Nguyễn Thị Kim Luận dẫn các đối tượng khác trong đường dây của mình tới giới thiệu là khách hàng cần vay nóng để đáo hạn ngân hàng rồi chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của họ.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Kim Luận (SN 1991), nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông, để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều người, số tiền chiếm đoạt lớn nên cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Đánh vào lòng tin

Trước đó, bà Đỗ Thị Thúy (SN 1974; ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) gửi đơn tới cơ quan công an tố cáo Nguyễn Thị Kim Luận về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà 2,7 tỉ đồng. Tiếp đó, bà Phạm Thị Tương (SN 1975, ngụ cùng thị xã Gia Nghĩa) cũng làm đơn tố cáo bà Luận lừa đảo chiếm đoạt hơn 6,9 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Luận cũng đang bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số công dân khác.

Theo tố cáo của bà Thúy, giữa năm 2016, bà Luận thuê nhà của bà để ở. Sau một thời gian, giữa bà và bà Luận có mối quan hệ thân thiết. Bà thường giúp đỡ và xem bà Luận như em gái. Cuối năm 2016, biết bà chuẩn bị mở cửa hàng kinh doanh, gom nhiều tiền nên bà Luận lập kế hoạch chiếm đoạt tài sản.

Ngày 23-12-2016, bà Luận chở Thân Thị Diệu (SN 1982, ngụ thị xã Gia Nghĩa) tới nhà bà Thúy, giới thiệu là khách hàng của BIDV, hiện đến hạn trả nợ ngân hàng 2,7 tỉ đồng nhưng mới có 1,4 tỉ đồng nên hỏi vay 1,3 tỉ đồng trong thời gian ngắn để đáo hạn. Do thân thiết nên dù không biết bà Diệu là ai nhưng bà Thúy đồng ý cho vay. Cả bà Diệu và bà Luận cùng ký vào giấy vay nợ 1,3 tỉ đồng.

Tiếp đó, dù khoản tiền vay nói trên chưa trả nhưng bà Luận đưa tiếp Nguyễn Thị Lệ Hằng (SN 1984, ngụ thị xã Gia Nghĩa) tới và cũng giới thiệu là khách hàng vay vốn tại BIDV 2 tỉ đồng, hiện có 600 triệu đồng và cần vay 1,4 tỉ đồng trong 3 ngày để đáo hạn. Bà Thúy tiếp tục đồng ý, cả bà Luận và bà Hằng cùng ký tên vào giấy vay tiền.

Đến hạn, bà Thúy nhiều lần liên hệ yêu cầu trả tiền nhưng bà Luận lúc nói lãnh đạo ngân hàng đi công tác, lúc nói lãnh đạo ngân hàng bị tai nạn chưa ký giải ngân cho khách hàng được.

"Sau này tìm hiểu, tôi mới biết bà Diệu và bà Hằng không vay vốn tại BIDV. Bà Luận đã lợi dụng lòng tin của tôi, đưa những đối tượng khác tới nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của tôi" - bà Thúy bức xúc.

Thừa nhận không đáo hạn

Trong đơn tố cáo, bà Phạm Thị Tương trình bày: "Trong quá trình làm ăn, tôi nhiều lần giao dịch tại BIDV nên thân quen bà Luận. Sau một thời gian, bà Luận đặt vấn đề vay tiền để đáo hạn cho khách hàng trong thời gian ngắn và trả lãi đầy đủ. Do thấy bà Luận là nhân viên của một ngân hàng lớn, có uy tín nên tôi tin tưởng cho vay. Ngoài việc đưa tiền mặt, nộp tiền vào tài khoản của bà Luận, bà này còn đề nghị tôi nộp tiền vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân khác. Tất cả số tiền này bà Luận khẳng định sử dụng vào mục đích đáo hạn, khi ngân hàng giải ngân sẽ trả lại cho tôi. Mỗi lần tôi đưa tiền cho bà Luận và những người khác mà bà Luận giới thiệu là khách hàng, tôi đều yêu cầu bà Luận viết giấy vay nợ".

Bà Tương cho hay từ tháng 11-2016 đến đầu năm nay đã nhiều lần cho bà Luận vay hoặc cho những người bà Luận giới thiệu là khách hàng vay tổng số hơn 6,94 tỉ đồng. Sau nhiều lần thúc ép trả nợ, bà Luận thừa nhận sử dụng số tiền vay vào mục đích khác chứ không phải đáo hạn ngân hàng.

Chỉ là nhân viên "sai vặt"?

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc BIDV Chi nhánh Đắk Nông, cho biết tháng 9-2016, ngân hàng này ký hợp đồng lao động ngắn hạn với bà Nguyễn Thị Kim Luận làm việc tại Phòng Khách hàng doanh nghiệp. Nhiệm vụ của bà Luận chủ yếu là phụ giúp in sao tài liệu, hay gọi là "sai vặt" chứ không có nhiệm vụ làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng. Ngày 16-3, bà Luận làm đơn xin nghỉ việc, sau đó 4 ngày thì ngân hàng có quyết định cho thôi việc. Sau khi bà Luận nghỉ việc, ngân hàng mới nhận được đơn tố cáo của một số người dân. "Chúng tôi cũng đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến bà Luận cho cơ quan công an" - ông Cường cho biết thêm.

Theo Cao Nguyên

Người lao động

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Bộ Công Thương nói gì về việc EVN không nhập than từ Vinacomin?

Vừa ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong nước, vừa tuân theo quy luật thị trường, Bộ Công Thương đang cố gắng tìm các giải pháp để dung hòa cả hai

Ngày 14/7 vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, vấn đề tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ chối nhập than của Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có thể làm 4000 công nhân mất việc đã được các phóng viên đặt ra cho các vị lãnh đạo Bộ.

Theo đó, các phóng viên phản ánh rằng EVN “từ chối” mua 2 triệu tấn than trong năm nay của Vinacomin, cùng với số hàng tồn kho mà Vinacomin còn giữ, đã khiến cho Tập đoạn này không khỏi lo lắng về tương lai hàng nghìn nhân viên. Câu chuyện này đã được thông tin từ giữa tháng 6/2017.

Người phát ngôn của Bộ Công Thương là Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay rằng Bộ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc giữa cơ quan chức năng Bộ Công Thương, đại diện bên Vinacomin và EVN.

Các cuộc thảo luận đều được tổ chức trên tinh thần tuân theo quy luật của thị trường hàng hóa, tức là các sản phẩm phải có tính cạnh tranh. Tất nhiên, đời sống của 4000 công nhân là rất quan trọng và các bên sẽ cố hết sức để thực hiện phương án tốt nhất, tuy nhiên quy luật thị trường vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Ông Hải nhấn mạnh rằng song song với tuân thủ quy luật thị trường, 2 bên cần phải đảm bảo ưu tiên cho việc sản xuất trong nước. "Điều này không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh doanh giữa 2 công ty mà nó còn liên quan đến đời sống của 113.000 lao động. Bộ Công Thương đang cố gắng tìm các giải pháp để hài hòa giữa hai tiêu chí này", Thứ trưởng nói.

Đối với EVN, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong việc sản xuất điện cho nên giá than ảnh hưởng nhiều tới giá điện, từ đó kéo theo giá hàng loạt các mặt hàng khác cũng bị tác động lớn.

Vì vậy nếu giá điện tăng, rõ ràng giá các sản phẩm khác thậm chí đời sống tiêu dùng cũng tăng. Chính vì vây, Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền cũng cho phép nhiều doanh nghiệp được phép trực tiếp nhập khẩu than để tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh. Điều này đã phương hại tới lợi ích của Vinacomin là đơn vị bán than cho EVN trước đến nay.

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, cho biết rằng đề xuất của EVN giảm 2 triệu tấn than, cùng với 2 triệu tấn than khai thác thêm khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13-14 tiệu tấn. Con số này sẽ khiến cho 4.000 công nhân của Tập đoàn này mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.

Vũ Hán

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Vì sao thương mại điện tử Việt Nam phát triển chưa tương xứng?

Nhu cầu mua sắm trực tuyến ở Việt Nam ngày càng tăng, tiềm năng phát triển của lĩnh vực này còn rất lớn tuy nhiên có nhiều lý do khiến thị trường thương mại điện tử trong nước vẫn ì ạch.

Việt Nam được đánh giá thuộc những quốc gia nằm trong giai đoạn đầu phát triển thương mại điện tử, tuy nhiên mức tăng người dùng trong năm 2017 ước đạt 50,5% và dự báo sẽ lên tới 58% trong năm 2020. Theo tổ chức nghiên cứu Euromonitor, tổng doanh thu thương mại điện tử năm 2016 của Việt Nam đạt 1 tỷ USD, còn tiêu dùng thương mại điện tử dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 23% tính tới 2020.

Ông Thomas Harris – Giám đốc điều hành DHL eCommerce Việt Nam thuộc Tập đoàn DHL (Đức) đánh giá Việt Nam là thị trường có dân số trẻ với độ tuổi trung bình 30.8, nghiện sử dụng smartphone và nhanh nhạy với xu hướng internet. Tầng lớp trung lưu có thu nhập khá, sẵn sàng chi tiêu, góp phần nâng tổng chi tiêu tiêu dùng tăng lên 153 triệu USD trong năm 2016.

Tuy nhiên, sự phát triển của thanh toán trực tuyến lại không hề tương xứng với kinh doanh trực tuyến. Khảo sát năm 2016, cho thấy chỉ 15% người mua hàng thanh toán trực tuyến khi mua hàng online, một điều không quá ngạc nhiên khi có tới 42% người dân Việt Nam không sở hữu bất kỳ thẻ tín dụng nào.

Theo ông Thomas Harris, mặc dù còn bỡ ngỡ với thanh toàn trực tuyến nhưng người tiêu dùng Việt lại có yêu cầu khắt khe hơn trong việc giao nhận hàng. Họ muốn một trải nghiệm liền mạch từ khi đặt hàng tới khi giao hàng, mong muốn giao hàng trong ngày hoặc ngay hôm sau, thanh toán tiền mặt và được quyền trả lại hàng (miễn phí) nếu cảm thấy không thích món hàng.

Đây là một thách thức lớn đối với các nhà bán lẻ và các công ty giao nhận. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để các đơn vị kinh doanh trực tuyến tạo ấn tượng giao hàng tốt, gắn kết cảm xúc với khách hàng, tạo nhóm khách hàng trung thành trong tương lai.

Ông Thomas Harris cho biết, DHL eCommerce vừa chính thức gia nhập thị trường giao hàng nội địa Việt Nam với những dịch vụ được cho là “đo ni đóng giày”, phù hợp với sự phát triển của thị trường thương mại điện tử hiện nay.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trung tâm, hàng sẽ giao trong 1-2 ngày, tại các tỉnh khác giao từ 3-7 ngày. Ngoài dịch vụ nhận thu tiền khi nhận hàng (COD), DHL eCommerce còn cung cấp thêm dịch vụ thu tiền hộ khi giao hàng vào ngày hôm sau cũng như xử lý vấn đề khi khách trả hàng.

Theo Phương Anh Linh

Infonet

Đọc tiếp »

Taxi truyền thống kêu ca, Bộ Tài chính lên tiếng về thuế Uber, Grab

Trong thời gian vừa qua, đã có không ít ý kiến cho rằng chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống.

Chiều 17/7, Bộ Tài chính đã lên tiếng về những ý kiến cho rằng thuế với Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với taxi truyền thống.

Bộ Tài chính cho rằng trên thực tế, pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp (thống nhất về mức thuế suất, về điều kiện ưu đãi đầu tư, chế độ miễn, giảm thuế,...).

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab, Bộ Tài chính cho biết: Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không đáp ứng điều kiện nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.

Do đó, căn cứ quy định của pháp luật, nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan được tính theo cách “Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%; Tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng là 2%”.

Đối với tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) kinh doanh vận tải được thành lập theo quy định của pháp luật ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan).

Đối với cá nhân ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải thì nghĩa vụ thuế được tính là “Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%; Tỷ lệ % để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên doanh thu được hưởng là 1,5%.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Grab, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017 gửi Cục thuế một số tỉnh, thành phố đang triển khai mô hình này hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber.

Một số doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống cũng đề nghị được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay; đồng thời kiến nghị doanh thu tính thuế đối với Uber, Grab phải trên cơ sở 100% doanh thu.

Bộ Tài chính cho hay: Pháp luật thuế hiện hành đã quy định, đối với phương pháp khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải là 10%, thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào. Do vậy, khi xác định thuế GTGT phải nộp doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT của các chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định...). Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 thì thuế suất thuế GTGT dần được quy về áp dụng thống nhất 10%, thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa thiết yếu và thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu.

“Do vậy, kiến nghị “cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%” là không có cơ sở.”, Bộ Tài chính khẳng định

Bộ Tài chính cũng bác kiến nghị doanh thu tính thuế đối với Uber , Grab phải trên cơ sở 100% doanh thu.

Theo Bộ Tài chính, nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý. Bởi vì trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng.

Đặc biệt, Bộ Tài chính tiếp tục viện dẫn các bằng chứng cho thấy nhiều DN taxi truyền thống đóng góp thuế rất ít ỏi.

Theo số liệu của ngành thuế, tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong số 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn thì 2 doanh nghiệp phát sinh số thuế GTGT còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế GTGT phải nộp (Công ty TNHH du lịch Mai Linh; Công ty TNHH du lịch Thành Bưởi), một số doanh nghiệp khác mức tỷ lệ nộp thuế GTGT/doanh thu dưới 3% (Công ty cổ phần Gia Định, Công ty vận chuyển Sài Gòn Tourist, hợp tác xã vận tải số 10).

Về thuế TNDN, hầu hết các doanh nghiệp đều có mức tỷ lệ nộp thuế TNDN/doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế TNDN phải nộp, mức tỷ lệ nộp khoảng 0,01% đến 0,06%. Riêng Công ty TNHH Ánh Dương mức tỷ lệ nộp thuế TNDN là 1,97%/doanh thu (tương đương mức khoán của Uber). Với thông tin cho rằng “taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab , Uber” là không đúng. Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế rà soát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo L.Bằng

Vietnamnet

Đọc tiếp »

Thủ tướng cho phép Quảng Ninh lập đặc khu kinh tế Vân Đồn

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác để thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đồng thời đồng ý về nguyên tắc việc lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện thủ tục lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015 của Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng đồng ý UBND tỉnh Quảng Ninh được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thanh toán với tư vấn nước ngoài về lập quy hoạch.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Thủ tướng báo cáo Bộ Chính trị sớm cho phép thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội phê chuẩn Luật Khu hành chính - kinh tế đặc biệt trong năm 2017.

Lãnh đạo Quảng Ninh cũng kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về kinh doanh casino, trong đó quy định rõ thí điểm cho người Việt Nam được vào chơi, để góp phần thu hút đầu tư vào Vân Đồn - nơi có dự án nghỉ dưỡng giải trí cao cấp dự kiến bao gồm casino.

Hồi cuối 2016 trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nình, Thủ tướng đã nhấn mạnh: phải coi khu kinh tế hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để thu hút đầu tư phát triển.

Ngoài Vân Đồn, hiện Chính phủ cũng đang có chủ trương thành lập hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác là Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang.

Theo Bảo Anh

VnEconomy

Đọc tiếp »

Trả lời báo Pháp, Bộ trưởng Công thương khẳng định vai trò cửa ngõ của Việt Nam giữa Liên minh châu Âu và ASEAN

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có bài phỏng vấn trên tạp chí CAP’IDF số 61 – tháng 6/2017 của Liên đoàn giới chủ Pháp vùng Ile de France (MEDEF Ile de France) với tựa đề: "Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ của Liên minh châu Âu tiến vào ASEAN". Toàn bộ cuộc phỏng vấn được Bộ trưởng trả lời bằng tiếng Pháp.

Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do vào cuối năm 2015 và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018. Những ưu thế chính của Hiệp định nêu trên là gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định FTA mà Việt Nam và EU đã thống nhất mang tính toàn diện, chất lượng cao và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Với đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương là tính bổ sung mạnh mẽ, ít lĩnh vực cạnh tranh đối đầu, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho doanh nghiệp hai bên. Một số lợi ích chính là:

Với cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có thể mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ, ... của Việt Nam và ô tô, máy móc-thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới, ... của EU.

Về thương mại dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính-ngân hàng, phân phối, vận tải, v.v.

Các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU nói chung và việc cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.

Hơn nữa trong Hiệp định này, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ mức độ cao, chính sách cạnh tranh, v.v... Các cam kết này cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng; đồng thời đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan.

Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định, v.v. hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Bộ trưởng mong đợi điều gì về việc mở cửa với một trong những thị trường chính trên thế giới?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chiếm 1/4 khối lượng hàng hóa dịch vụ được giao thương trên toàn thế giới, là nhà đầu tư lớn nhất tại ASEAN, EU là đối tác truyền thống nhưng vẫn vô cùng tiềm năng đối với Việt Nam. Việt Nam vẫn luôn coi trọng và đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nên kỳ vọng đối với thị trường EU tập trung ở 3 lĩnh vực sau:

Tăng trưởng kim ngạch giao thương hai chiều nhảy vọt: EU được đánh giá là một thị trường EU rộng lớn và tiềm năng với hơn 500 triệu dân đặc biệt ưa chuộng các mặt hàng mà Việt Nam vốn có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê…. Có những mặt hàng ví dụ như dệt may, hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU mới chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu người tiêu dùng.

Ngược lại, nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến của EU sẽ là nguồn cung tin cậy cho máy móc thiết bị, công nghệ hay một số nguyên liệu đầu vào mà hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu từ các thị trường khác với giá cả và chất lượng kém cạnh tranh hơn.

Theo hải quan Việt Nam, kim ngạch song phương Việt Nam – EU đạt 45,07 tỷ USD năm 2016 với tốc độ tăng trưởng 8,93% so với 2015. Việc thực thi các cam kết mở cửa thị trường có khả năng thúc đẩy kim ngạch hai chiều đạt khoảng 100 tỷ USD/năm.

Thu hút đầu tư từ 28 nước thành viên EU: Hiện nay EU là nhà đầu tư lớn nhất ở một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hay ngay trong khu vực ASEAN nhưng chưa phải là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. EVFTA với các cam kết vô cùng cởi mở, tiến bộ đảm bảo một môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn tại Việt Nam; độ mở cửa của Việt Nam ra thị trường thế giới; tính liên kết chặt chẽ với các thị trường trong khu vực khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành; cùng với trình độ phát triển kinh tế ngày càng cải thiện hơn của Việt Nam. Tất cả những điều kiện trên sẽ là đường dẫn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam.

Cuối cùng, việc mở cửa thị trường, đảm bảo thực hiện các cam kết đã ký tạo ra động lực cũng như sức ép cải cách đối với nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt buộc phải tự đổi mới, tự cải thiện năng lực của mình. Chính phủ Việt Nam cũng có động lực để đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý để đáp ứng kịp với tốc độ và nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam, tác động cộng hưởng của EVFTA và các FTA đã ký là rất lớn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường có FTA.

Hiện nay những lĩnh vực nào là lĩnh vực hứa hẹn nhất và những lĩnh vực nào sẽ được gọi là nững lĩnh vực hứa hẹn trong tương lai?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc một lĩnh vực có được coi là hứa hẹn hay không tùy thuộc vào lợi thế cạnh tranh của mỗi bên. Đối với cả Việt Nam và EU, có thể nói thương mại hàng hóa sẽ là lĩnh vực hứa hẹn nhất hiện nay do việc xóa bỏ thuế quan sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vốn đã và đang phát triển mạnh mẽ giữa hai bên.

Đối với EU, đầu tư và một số ngành dịch vụ thế mạnh như tài chính-ngân hàng, phân phối, vận tải, v.v. sẽ được hưởng lợi ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Việt Nam cũng sẽ có lợi ích từ nguồn đầu tư chất lượng cao của EU.

Trong tương lai, mua sắm của Chính phủ sẽ là lĩnh vực hai bên có thể khai thác dần. Trước mắt, các doanh nghiệp EU sẽ có nhiều khả năng tham gia và thu được lợi ích từ hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ công của Việt Nam sớm hơn các doanh nghiệp Việt Nam do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Ngoài ra, di chuyển thể nhân cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho cả hai bên.

Một số nội dung khác như minh bạch hóa, cải cách thể chế, cạnh tranh, v.v. tuy không có tác động trực tiếp về mở cửa thị trường nhưng các cam kết và quy định mà Việt Nam và EU đã thống nhất sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan, có tác động lâu dài, sâu rộng và tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp hai bên khai thác lợi ích từ Hiệp định.

Những kỳ vọng của Việt Nam trong khu vực là gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo thống kê của Ủy ban Liên minh châu Âu, trong năm 2015, Việt Nam là đối tác Thương mại lớn thứ 2 của Liên minh châu Âu tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, với tỷ trọng 19,1% trong tổng kim ngạch thương mại giữa EU và ASEAN. Khi Hiệp định EVFTA được ký kết và dự kiến có hiệu lực trong năm 2018, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu. Điều này không chỉ vì Việt Nam có tiềm năng mà còn là đầu mối của thị trường ASEAN trong tương lai nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành cuối năm 2015. Việt Nam sẽ trở thành cầu nối hữu hiệu giữa hai khu vực EU và ASEAN.

Qua đây, vị thế của Việt Nam cũng sẽ được nâng tầm hơn trong quan hệ thương mại quốc tế cũng như với EU nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại Việt Nam.

Theo T.Nguyễn

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Yêu cầu công an, thanh tra vào cuộc vụ 12 dự án thua lỗ

Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương phải trình Thủ tướng trước ngày 25/7 tới...

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 của Văn phòng Trung ương và ý kiến của các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương trước ngày 25/7/2017.

Cùng với đó là hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, gửi các bộ, ngành có ý kiến tham gia để tổng hợp, trình Trưởng ban Ban Chỉ đạo quyết định.

Trong đó lưu ý quán triệt các mục tiêu, quan điểm, thời hạn đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Thông báo 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 của Văn phòng Trung ương, phân công, làm rõ trách nhiệm của từng bộ, cơ quan, đơn vị trong triển khai, thực hiện kế hoạch; chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch.

Phó thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành việc kiểm toán, điều tra, thanh tra tại 12 dự án, doanh nghiệp theo chương trình, kế hoạch đã đề ra để xử lý theo quy định.

Các Tập đoàn: Hóa chất Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Thép Việt Nam củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo của các đơn vị mình; phân công, xác định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị, người đứng đầu trong việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thuộc đơn vị mình.

Các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, xử lý kịp thời vướng mắc, kiến nghị của các dự án, doanh nghiệp, báo cáo Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Bộ Công Thương) để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Trước đó vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Chính trị đã ra kết luận yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án.

Bộ Chính trị nêu quan điểm kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên.

Theo Bảo Quyên

Vneconomy

Đọc tiếp »

Ngành nông nghiệp khó “lớn” vì trông chờ thương lái, sản xuất lại manh mún

“Chúng ta thấy một bức tranh nông nghiệp sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu bởi vì từ trước tới nay chúng ta cứ ngồi chờ vào thương lái. Chúng ta quen với cách thức làm đó và cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ...”, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) 2017 dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017 với sự chủ trì và điều hành đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc .

Năm 2017, từ kết quả các phiên làm việc của doanh nghiệp và căn cứ các ngành kinh tế mũi nhọn mà Chính phủ xác định, VPSF đã lựa chọn ra 3 nội dung để đối thoại, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp .

Trước khi phiên toàn thể diễn ra, Nhóm công tác về Nông nghiệp của VPSF đã có cuộc trao đổi về các vấn đề nổi bật cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nội dung liên quan đến vấn đề thị trường, chính sách đất đai... được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, đã đến lúc không thể chần chừ việc tổ chức hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng đi phù hợp.

“Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất manh mún. Với các doanh nghiệp như chúng tôi, muốn có 100 ha đất để sản xuất nông nghiệp thì phải ký với 1000 hộ dân. Điều này gây nhiều trở ngại cho quá trình sản xuất kinh doanh”, ông Trần Mạnh Báo nói.

Theo Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF, điều mà các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đầu tư như thủ tục tiếp cận thuê đất, thủ tục thu hút đầu tư mua máy móc công nghệ hay thủ tục về thuế.

“Ngoài ra doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro nên chính sách về thuế cần phải khác”, ông Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc The Pan Group cho rằng quan trọng nhất với doanh nghiệp vẫn là thị trường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng được mùa mất giá của một số mặt hàng nông sản trong thời gian qua.

“Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp rất manh mún, nhỏ lẻ vì chưa có người đứng ra kiểm soát và làm đầu tàu trong chuỗi giá trị, tức là chưa có doanh nghiệp đủ lớn”, ông Hải nói.

Do vậy, ông Hải cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích cơ chế hợp tác, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến gặp gỡ để doanh nghiệp có cơ hội trao đổi và hiểu về thị trường xuất khẩu tốt hơn.

“Nhà nước chỉ cần làm vai trò định hướng và doanh nghiệp là trọng tâm của hệ thống sản xuât nông nghiệp thì sẽ hạn chế được tình trạng được mùa rớt giá và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn”, ông Hải nói.

Đề cập đến câu chuyện phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề thị trường.

“Chúng ta thấy một bức tranh nông nghiệp sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng chúng ta không biết bán ở đâu bởi vì từ trước tới nay chúng ta cứ ngồi chờ vào thương lái. Chúng ta quen với cách thức làm đó và cuộc chơi này chúng ta không có làm chủ”, ông Viên nói.

Theo ông Viên, muốn bức tranh này thay đổi thì phải quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường. “Các tập đoàn của các quốc gia trên thế giới họ đi tới từng nước để đầu tư, bỏ tiền hàng triệu đô, hàng tỷ đô để đầu tư cho thị trường. Đó là câu hỏi, là con đường để đầu tư phát triển”, ông Viên nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị này, Chính phủ đã có chính sách khuyến nông tốt nhiều năm nay nhưng chính sách về cho thị trường thì chúng ta hoàn toàn thiếu. Trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải có chính sách thị trường tốt rồi mới đẩy mạnh khuyến nông.

Cũng theo ông Viên, doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam tới nay vẫn chưa bùng nổ ở quy mô lớn là bởi yếu tố chất lượng. Muốn bán được nhiều thì sản phẩm phải hấp dẫn. Muốn sản phẩm hấp dẫn cần nguồn nguyên liệu tốt. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được vì một nền nông nghiệp còn manh mún, chuyên phục vụ thương lái là chủ yếu chứ chưa hướng nhiều tới việc phục vụ thị trường đẳng cấp cao, chất lượng tốt.

“Yếu tố đó một phần bắt nguồn từ việc bản thân các doanh nghiệp không có khả năng có diện tích đất đai với quy mô canh tác lớn và có những cánh đồng lớn để sản xuất. Đó là nút thắt quan trọng”, ông Viên cho biết.

Theo N.Mạnh

Diễn đàn đầu tư

Đọc tiếp »

Dự án cũ đội vốn: Đường sắt đô thị 40 tỷ USD ở Hà Nội có khả thi?

Trong bối cảnh Hà Nội có nhiều dự án đường sắt chậm tiến độ và đội vốn nhiều năm, dự án xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị trị giá 40 tỷ USD liệu có khả thi?