Hàng nghìn người biểu tình đổ xuống đường ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào cuối tuần vừa rồi...
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm Chủ Nhật đã chấp nhận đơn xin từ chức của một loạt trợ lý cấp cao, đánh dấu bước leo thang mới trong vụ bê bối chính trị làm rung chuyển chính trường nước này.
Theo tờ Financial Times, động thái trên diễn ra sau khi hàng nghìn người biểu tình đổ xuống đường ở thủ đô Seoul, đòi bà Park từ chức.
Cuộc khủng hoảng nổ ra vào tuần trước, khi giới truyền thông phanh phui việc bà Choi Soon-sil, một người bạn lâu năm của bà Park, tiếp cận được với các tài liệu mật của Chính phủ, bao gồm bản thảo các bài phát biểu chính sách của Tổng thống.
Bà Choi cũng bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ với Tổng thống để trục lợi tài chính.
Các trợ lý của bà Park bị giới truyền thông và phe đối lập nghi ngờ giúp đỡ hoặc ít nhất “nhắm mắt làm ngơ” trước việc bà Choi can thiệp vào công việc quốc gia. Trong số các trợ lý của bà Park từ chức, có ông Woo Byung-woo, thư ký cấp cao của Tổng thống về các vấn đề dân sự - người đã chống lại áp lực buộc phải từ chức từ dư luận suốt mấy tháng qua liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng khác của gia đình ông.
Ba thư ký cấp cao khác của bà Park, những người bị cáo buộc giúp bà Choi can thiệp vào các vấn đề quốc gia, cũng từ chức.
Vụ bê bối này của bà Park, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, làm dấy lên những lo ngại về vấn đề minh bạch, sự quản lý yếu kém của Chính phủ, và tham nhũng - một vấn đề đã tồn tại lâu năm ở Hàn Quốc.
Tỷ lệ ủng hộ của bà Park đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy vì vụ bê bối. Một cuộc thăm dò thực hiện hồi tuần trước cho thấy hơn 40% người Hàn Quốc được khảo sát nói bà Park, người còn hơn một năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ, nên từ chức.
“Bà Park đã để mất đi uy quyền của một vị Tổng thống và cho thấy rằng bà ấy không có những phẩm chất căn bản để lãnh đạo một đất nước”, ông Lee Jae-myung, thị trưởng thành phố Seongnam, nói với người biểu tình hôm thứ Bảy.
Hôm thứ Ba tuần trước, bà Park đã có bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình để đưa ra lời xin lỗi vì vụ bê bối này. Tuy nhiên, lời xin lỗi của bà dường như chưa đủ để xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận.
Bà Choi, người bạn thân của bà Park, không nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong Chính phủ, bị cáo buộc đã gây ảnh hưởng đối với hoạt động ra quyết định của Tổng thống trong thời gian từ tháng 12/2012-3/2014. Trong số những quyết định bị ảnh hưởng được cho là có chính sách của Seoul đối với Hàn Quốc và việc bổ nhiệm các chức vụ trong nội các.
Sau mấy tháng ở Đức, bà Choi đã về Seoul vào ngày Chủ Nhật để đối mặt với các cuộc thẩm vấn của cơ quan công tố. Nhà chức trách Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc điều tra vụ bê bối này. Cuối tuần vừa rồi, dinh Tổng thống cùng nhà riêng của nhiều quan chức Chính phủ đương nhiệm và đã về hưu đã bị các công tố viên lục soát.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Hàn Quốc tại Đức hồi tuần trước, bà Choi, 60 tuổi, nói có tiếp cận với các tài liệu của Tổng thống, nhưng phủ nhận can thiệp vào công việc quốc gia. Bà cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng bà gây áp lực với các doanh nghiệp để họ phải tài trợ hàng chục nghìn USD cho các tổ chức phi lợi nhuận mà bà nắm quyền kiểm soát.
Bà Park và bà Choi là bạn của nhau đã nhiều thập niên. Người cha quá cố của bà Choi, ông Choi Tae-min, từng là một người cố vấn của bà Park. Người chồng cũ của bà Choi từng là chánh thư ký cho bà Park khi bà Park còn là một nghị sỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Park bị ảnh hưởng vì mối quan hệ với gia đình bà Choi. Trước đây, bà Choi đã từng bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ với bà Park để “moi” tiền doanh nghiệp, nhưng cả bà Park và bà Choi đều phủ nhận cáo buộc này.
Khả năng bà Park phải từ chức vì vụ bê bối này, đến thời điểm hiện tại, là thấp. Tuy nhiên, vụ bê bối có thể làm suy giảm nghiêm trọng vốn liếng chính trị của bà Park, khiến bà khó có thể thúc đẩy được những chính sách quan trọng trong hơn một năm còn lại của nhiệm kỳ.
“Việc thay đổi nhân sự trong hàng ngũ cố vấn sẽ không đủ để giải tỏa nỗi bức xúc của dư luận. Nhiều người dân đã mất niềm tin vào Tổng thống, khiến bà ấy khó theo đuổi bất kỳ chính sách thực sự nào trong thời gian nắm quyền còn lại”, GS. Shin Yul thuộc Đại học Myongji nhận xét.
Theo Bình Minh
VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét