Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Cháy cả kho sữa bột, chỉ đền 500 triệu đồng

Năng lực cạnh tranh thương mại trong logistics của Việt Nam còn yếu.

Hãng tàu biển khổng lồ sụp đổ: Nhà xuất khẩu Việt mất ngủ Bí thư Thăng: Lợi ích địa phương cản trở liên kết vùng Mở cửa bán lẻ nhưng phải có hàng rào bảo vệ Nâng chất lượng, giảm giá để đấu với đại gia Thái Vì sao Việt Nam không có tỉ phú công nghiệp?

Ngày 6-9, Bộ Công Thương và Dự án phát triển lập pháp quốc gia (dự án NLD) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và định hướng sửa đổi các quy định trong lĩnh vực dịch vụ logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, các dịch vụ có liên quan đến hàng hóa…). Các đại biểu đã chỉ ra một số bất cập trong quy định liên quan đến lĩnh vực này.

Tại sao chỉ bồi thường nửa tỉ?

Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, cho biết từng được thắc mắc về một vụ tranh chấp giữa đơn vị kinh doanh sữa bột với đơn vị logistics. Theo đó, một công ty kinh doanh sữa đưa hàng cho công ty logistics lưu kho. Kho hàng bị cháy. Công ty sữa yêu cầu bồi thường toàn bộ giá trị lô sữa bột.

Thế nhưng công ty logistics đã viện dẫn Nghị định 140/2007, trong đó Điều 8 quy định về giới hạn trách nhiệm. Cụ thể trường hợp khách hàng không thông báo trước về giá trị hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa của công ty logistics chỉ có 500 triệu đồng. Từ đó công ty logistics chỉ chịu bồi thường 500 triệu đồng. Con số này rất ít so với thiệt hại thực tế của công ty sữa bột.

“Đấy là một bất cập của quy định trong Nghị định 140/2007” - ông Thưởng đánh giá.

Từ đó ông Vũ Xuân Phong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam, góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 140/2007 nên làm rõ “mỗi yêu cầu bồi thường” là như thế nào. Ban soạn thảo cũng nên giải thích rõ căn cứ nào đưa ra mức giới hạn trách nhiệm là 500 triệu đồng cho mỗi yêu cầu bồi thường. “Tại sao không phải là 1 tỉ, 2 tỉ đồng... mà là 500 triệu đồng?” - ông Phong đặt vấn đề.

Rào cản thương mại

Không chỉ thế, quy định của nghị định này còn là rào cản thương mại bất hợp lý. Bà Vũ Thị Vân Nga, Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, nói nhiều quy định trong Nghị định 140/2007 về logistics không còn phù hợp nữa, nhất là các rào cản gia nhập.

Bà Nga dẫn chứng theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì từ năm 2014, Việt Nam đã phải cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập DN 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải. Tuy nhiên, Nghị định 140/2007 đến nay vẫn quy định nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với DN Việt Nam mới được kinh doanh các dịch vụ này.

Nói thêm về vấn đề trên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, kể rằng một công ty mỹ phẩm Việt Nam nhận bán mỹ phẩm cho một công ty Nhật Bản. Thời gian sau, công ty Nhật Bản đề nghị lập liên doanh để bên Việt Nam có thể góp vốn bằng 29 cửa hàng hiện hữu. Hồ sơ được nộp.

Theo quy định, khi gia nhập WTO thì nhà đầu tư nước ngoài muốn mở điểm bán lẻ thứ hai là phải xin phép và đánh giá nhu cầu kinh tế (ENT). Thế nhưng với hồ sơ nói trên, nếu cấp phép thì công ty Nhật Bản đó vừa mới đầu tư vào Việt Nam là đã mở luôn 29 cửa hàng rồi!

“Nếu không cấp phép thì từ chối bằng quy định nào? Nếu cấp phép trường hợp này và các trường hợp liên doanh, mua lại hệ thống bán lẻ đã có sẵn thì quy định ENT có ý nghĩa gì nữa” - ông Khanh đặt vấn đề.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng quy định về logistics hiện chưa thật rõ ràng, minh bạch, còn chồng chéo.

Thiếu tin tưởng

TS Võ Sỹ Mạnh, chuyên gia dự án NLD, cho hay hiện cả nước có khoảng 1.300 DN tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó 70% tập trung tại TP.HCM. Tuy số lượng đăng ký nhiều nhưng phải nhìn nhận rằng đa số DN đang làm dịch vụ một cách đơn lẻ, thiếu chuyên nghiệp và chất lượng thấp.

Sự liên kết giữa các DN xuất nhập khẩu và DN logistics còn lỏng lẻo, thiếu tin tưởng. DN xuất nhập khẩu chưa thực sự tin tưởng vào nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.

Được biết ở một số nước trên thế giới như Singapore, chi phí logistics chỉ chiếm 12%-15%. Nhưng ở Việt Nam con số này lên tới 20% tổng chi phí/đơn vị hàng hóa xuất khẩu.

Chưa phù hợp

Dự thảo thay thế Nghị định 140/2007 quy định dịch vụ kiểm tra vận đơn phải lập liên doanh. Thế nhưng trên thực tế có công ty nào làm riêng công việc kiểm tra vận đơn không? Có công ty nào lại không chuẩn bị chứng từ vận tải cho khách mà được?… Thế mà lại quy định yêu cầu muốn làm chứng từ vận tải hoặc muốn kiểm tra vận đơn thì phải lập liên doanh. Như thế là chưa phù hợp.

Ông VŨ XUÂN PHONG

Theo QUỲNH NHƯ

PLO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét