Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Vì sao người nuôi chó tăng nhưng nạn trộm chó lại ngày càng phổ biến ở Trung Quốc?

Số liệu của Humane Society International cho thấy hàng năm có khoảng 10 triệu con chó tại Trung Quốc bị sát hại để lấy thịt. Tính trên toàn thế giới, hàng năm con người sát hại khoảng 24 triệu con chó để lấy thịt.

Cứ mỗi mùa hè đến, lễ hội thịt chó tại thành phố Ngọc Lâm-Quảng Tây- Trung Quốc lại diễn ra với nhiều tranh cãi. Những hình ảnh các chú chó bị sát hại, đối xử tàn nhẫn lan truyền chóng mặt trên mạng. Đi kèm với đó là hàng loạt những lời chỉ trích, vận động của các nhà hoạt động xã hội, bảo vệ động vật…

Chính quyền thành phố Ngọc Lâm đã buộc phải có những động thái nhằm xoa dịu dư luận như hạn chế việc buôn bán thịt chó công khai ngoài chợ. Tuy nhiên, lễ hội thịt chó hàng năm tại đây vẫn diễn ra như thường.

Đối với văn hóa Phương Tây, thịt chó không hề phổ biến trong ngành ẩm thực dù chúng không phải điều cấm kỵ gì. Dẫu vậy, tình yêu thương với loài vật này khiến các nước Phương Tây không quen với hình ảnh ăn thịt chó.

Trong khi đó, thịt chó dường như trở thành một nét văn hóa tại nhiều nước Châu Á. Theo giáo sư Guo Peng của trường đại học Shandong, chỉ có những dân tộc thiểu số tại Trung Quốc mới ăn thường xuyên món này trong khi phần lớn người dân nơi đây coi nó như một loại thực phẩm bổ dưỡng, làm ấm cơ thể vào mùa đông và hạ nhiệt mùa hè.

Theo bà Guo Peng, hầu hết người Trung Quốc chỉ ăn thịt chó 1 lần trong năm trong khi khảo sát năm 2016 của Dataway Horizon cho thấy 70% số người Trung Quốc chưa ăn thịt chó. Khoảng 30% còn lại cho biết họ ăn thịt chó trong các bữa tối xã giao hoặc do bối cảnh công việc.

Vậy tại sao những lễ hội thịt chó như ở Ngọc Lâm vẫn tồn tại? Tại sao món thịt chó vẫn được bày bán tại nhiều chợ và các cửa hàng ở Trung Quốc?

Câu trả lời vô cùng đơn giản: Nạn trộm chó.

Hiện nay mảng kinh doanh thịt chó đã trở thành một nguồn lợi nhuận khá ổn đối với giới tội phạm Trung Quốc. Tại các làng quê ở tỉnh Sơn Đông, rất nhiều những vụ ăn trộm chó đã diễn ra. Thậm chí có làng đã mất 1/3 số chó trong khoảng 2007-2011.

Những tên tội phạm trộm chó này đi lang thang trên những chiếc xe bán tải quanh các vùng quê, bắt trộm chó và bán chúng cho những đầu nậu. Mỗi con chó cỡ trung có giá khoảng 70-80 Nhân dân tệ tùy loại và mỗi kg thịt chó bán được khoảng 10 Nhân dân tệ (1,3 USD).

Một thanh niên trộm chó tại Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn với tờ Fianancial Times cho biết anh ta làm nghề này để tích lũy tiền lấy vợ.

Việc săn trộm chó quá nhiều đã đẩy giá thịt chó đi xuống nhưng chúng lại không làm giảm nhu cầu của thị trường. Trái lại, việc thịt chó rẻ đã kích thích nhu cầu sử dụng món ăn này trong các bữa tiệc xã giao cũng như buộc những tên trộm chó phải ra tay nhiều hơn để duy trì lợi nhuận.

Số liệu của Humane Society International cho thấy hàng năm có khoảng 10 triệu con chó tại Trung Quốc bị sát hại để lấy thịt. Tính trên toàn thế giới, hàng năm con người sát hại khoảng 24 triệu con chó để lấy thịt.

Tuy nhiên, thị trường thịt chó ở Trung Quốc đang khá phức tạp khi có sự phân hóa vùng miền. Tại các làng quê, chó chủ yếu được nuôi để giữ nhà nên việc bị mất chó không ảnh hưởng lắm, người dân chỉ việc mua con mới.

Trong khi đó, chó trở thành thú nuôi phổ biến tại đô thị và hàng loạt những cửa hàng thú nuôi, thú ý, phụ kiện… được mở ra nhằm phục vụ thị trường này. Tại thủ đô Bắc Kinh, số chó nuôi đăng ký đã tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm trong vòng 10 năm qua và hiện đạt 2 triệu con. Trớ trêu thay, hình ảnh những cửa hàng thú cưng như vậy lại trái ngược hoàn toàn với những lễ hội và món ăn cho chó phổ biến tại Trung Quốc.

BT

Theo Thời Đại

Đọc tiếp »

Uber, Grab sẽ bị thu thuế kinh doanh qua mạng thế nào?

Trao đổi tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18/7, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hà Nội cho biết, với hai doanh nghiệp Uber, Grab, cơ quan thuế sẽ quản lý chặt chẽ và đảm bảo việc thu đúng, thu đủ không để thất thoát thuế.

Trao đổi tại hội nghị về vấn đề thu thuế các hoạt động kinh doanh qua mạng, ông Mai Sơn cho biết, để làm được việc này, phải xác định được đối tượng, xác định doanh thu và có hướng xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

“Đề án này chúng tôi rất thận trọng. Trước tiên phải phổ biến kiến thức pháp luật về việc kê khai như thế nào, miễn trừ thuế ra sao. Họ phải nộp bao nhiêu phần trăm doanh số và bao nhiêu phần trăm thu nhập cá nhân, ngưỡng thu nhập trên 100 triệu/năm phải nộp như thế nào. Việc kê khai như thế nào, ai sẽ hỗ trợ chính sách...Sau khi phổ biến hướng dẫn như vậy thì chúng tôi gửi tin nhắn tới các địa chỉ này để cho họ tự giác”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, thời hạn cho người kinh doanh qua mạng là sau 1 – 3 lần nhắn tin. Cục Thuế cũng sẽ phối hợp với sở Công thương, các nhà mạng để quản lý qua công nghệ thông tin, các giao dịch sẽ được cơ quan thuế kiểm tra, xác minh kể cả trường hợp thanh toán trực tiếp, thanh toán qua hình thức khác.

“Trong quá trình thực hiện sẽ có khó khăn vướng mắc do tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với sự tự giác của người kinh doanh thì sẽ thực hiện được, đồng thời sẽ chuẩn bị các chế tài để xử lý nhưng trước hết rất mong sự đồng hành, ý thức chấp hành của họ”, ông Sơn cho biết.

Liên quan đến lĩnh vực vận tải, cụ thể là hai trường hợp của Uber và Grab, ông Sơn cho biết hai doanh nghiệp này đóng trên địa bàn TP HCM, vì thế họ nộp thuế tại nơi có trụ sở chính, tuy nhiên, về chính sách thuế đã có quy định rất cụ thể.

“Họ kinh doanh bằng công nghệ, họ khấu trừ doanh số mà người lái xe nhận được theo tỷ lệ. Phần mà họ hưởng thì họ phải nộp thuế đầy đủ theo quy định”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, Cục Thuế đang hướng dẫn các doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.

“Đó là những giải pháp của cơ quan thuế, còn chúng tôi không có chức năng bàn chuyện loại hình vận chuyển này được ủng hộ hay không. Nhưng đã có kinh doanh, đã thu tiền là phải có nghĩa vụ đầy đủ với cơ quan thuế.

Chúng tôi khẳng định là sẽ quản lý chặt chẽ và đảm bảo việc thu đúng, thu đủ không để thất thoát. Tôi mong rằng trong quá trình quản lý, nếu có sơ hở gì mà báo chí phát hiện thì báo lại để có tiếp thu, chỉnh sửa chính sách”, ông Sơn nói thêm.

Liên quan đến thông tin Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên và một Cty khác của đại gia Lê Thanh Thản – chủ đầu tư nhiều dự án ở Hà Nội đang bị điều tra về việc trốn thuế, ông Mai Sơn cho rằng, hai doanh nghiệp này đã được Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Xây dựng kiểm tra, thanh tra. Chính vì vậy, để tránh chồng chéo, Cục thuế Hà Nội chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại hai đơn vị này.

Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp với cơ quan công an, Thanh tra Chính phủ, cung cấp các hồ sơ liên quan. Ông Sơn cũng cho hay, các doanh nghiệp do ông Thản làm đại diện kê khai thuế và chủ yếu đóng thuế tại địa bàn Điện Biên, chỉ nộp thuế vãng lai tại Hà Nội. “Vụ việc liên quan đến ông Lê Thanh Thản đang trong quá trình điều tra, nên theo quy định, khi nào có kết luận cơ quan điều tra sẽ công bố kết quả”, ông Sơn cho biết.

Theo Trường Phong

Tiền phong

Đọc tiếp »

Hà Nội xem xét đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm

TP Hà Nội sẽ quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách, trong đó dừng hoạt động 2 bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020.

Dự thảo “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đưa lấy ý kiến các sở ban ngành, hiệp hội nghề nghiệp.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các bến xe trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết các bến xe này chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số bến còn nằm sâu trong nội thành gây cản trở giao thông.

Do vậy, quy hoạch trên tập trung theo nguyên tắc, các bến xe khách liên tỉnh từ nay đến năm 2030 sẽ được tổ chức, quy hoạch trên các trục đường hướng tâm, cửa ngõ, vành đai và tại các vị trí kết nối thuận tiện với giao thông công cộng.

Về bến xe liên tỉnh Gia Lâm có quy mô 1,45ha, theo Sở GTVT Hà Nội, do bến xe này nằm sâu trong vành đai 3, nên dự kiến đến năm 2020 sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Dự kiến các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Bến xe Giáp Bát cũng được dự kiến chuyển mô hình hoạt động. Với quy mô diện tích 3,65ha, do nằm sâu trong vành đai 3 (khu vực đông dân cư), do vậy sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Các tuyến của bến xe Giáp Bát sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh (một số tuyến của tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên đi theo QL3), Yên Nghĩa về bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Hà Nội cũng đưa ra lộ trình đến năm 2030, TP sẽ xây dựng 7 bến xe mới, với tổng diện tích 73ha. Cụ thể, bến xe Nội Bài 10ha ở xã Phú Cường, Sóc Sơn; bến xe Đông Anh 5,3ha ở xã Uy Nỗ, Đông Anh; bến xe Cổ Bi 10ha, ở xã Cổ Bi, Gia Lâm; bến xe Phùng 15ha ở thị trấn Phùng, Đan Phượng; bến xe Phía Tây 5ha ở Hoài Đức; bến xe Phía Nam 11 ha ở xã Ngọc Hồi, Thanh Trì…

Theo Hương Quỳnh

Vietnamnet

Đọc tiếp »

Thủ tướng: “Petro Vietnam đang lúc khó khăn nhất”

Thủ tướng động viên Petro Vietnam nhưng cũng không quên lưu ý 4 vấn đề quan trọng đối với lãnh đạo tập đoàn...

“Trong lúc này Petro Vietnam đang khó khăn nhất, nhưng càng khó khăn càng phải quyết tâm lớn nhất, đoàn kết, thống nhất, vững tin. Còn trong quá trình làm có kiểm tra, có phát hiện, có sai sót, sai thì chúng ta sửa, phải gắn kết, kỷ cương, triển khai mạnh mẽ việc thăm dò, khai thác, quản lý dòng tiền, nhân sự, nhất là công tác nội bộ”.

Ý kiến trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), sáng 19/7.

Theo Bộ trưởng - Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng, Thủ tướng giao Tổ công tác kiểm tra các đơn vị để đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm tăng trưởng. Petro Vietnam là tập đoàn kinh tế lớn, nhiệm vụ rất quan trọng, đóng góp nhiều trong những năm qua về phát triển kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm…

“Vừa rồi các đồng chí có khủng hoảng liên quan tới tâm tư, tư tưởng nhưng không vì thế mà không hoàn thành nhiệm vụ. Rất mừng là trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã có những thành tích rất tốt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cụ thể, các chỉ tiêu cơ bản theo báo cáo của Petro Vietnam đều tốt, sản lượng khai thác dầu đạt 7,9 triệu tấn, sản lượng khai thác khí so với kế hoạch 6 tháng chưa đạt nhưng so với kế hoạch năm đạt 49,5%, kế hoạch sản xuất đạm vượt 8,8%. Tổng doanh thu đạt 247 nghìn tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch và vượt 15% so với kế hoạch 6 tháng.

Tuy nhiên, với thách thức rất lớn trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đặt 4 vấn đề để Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Petro Vietnam quán triệt sâu sắc, giải trình và có giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Thứ nhất, mục tiêu tăng trưởng cả nước đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Đây là thách thức rất lớn, cần sự quyết tâm của các cấp, các ngành, trong đó có đóng góp rất lớn của Petro Vietnam với 13,28 triệu tấn dầu. Kế hoạch đầu năm là 12,28 triệu tấn, nhưng Petro Vietnam quyết tâm đạt thêm 1 triệu tấn. Tuy nhiên, số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 15,2 triệu tấn năm 2016 và 16,88 triệu tấn năm 2015.

“Không phải lấy sản lượng để tăng trưởng nhưng đó là điều cực kỳ ý nghĩa. Tài nguyên của chúng ta không phải là vô hạn, trong lúc giá dầu thế giới thế này thì phải tính toán hiệu quả hơn nữa. Chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng là tăng sản lượng khai thác nhưng phải bảo đảm lâu dài nguồn năng lượng, nguyên liệu cho đất nước”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Vì vậy, Tập đoàn phải có giải pháp tốt nhất trong triển khai kế hoạch thăm dò trong và ngoài nước, vừa qua việc thăm dò cũng có nhiều vất vả. Khai thác hiệu quả, phấn đấu hạ chi phí, giảm giá thành, quản lý hiệu quả dòng tiền, tài chính, công tác điều hành…

Vấn đề thứ hai là hiện còn một số dự án đầu tư nhưng kéo dài, thua lỗ như Đóng tàu Dung Quất, 3 dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi Đình Vũ. Đề nghị Petro Vietnam nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm giải quyết dứt điểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo của Chính phủ do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ là đề nghị ngành công thương kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn cho các dự án này.

Tiếp đến, Petro Vietnam cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng một số dự án nhiệt điện chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2, đưa và hoạt động hiệu quả vì có tác động rất mạnh tới tăng trưởng của Tập đoàn và cả nước. Tiếp tục xem xét cổ phần hóa, cơ cấu lại các đơn vị thành viên kém hiệu quả.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng là “rất quan trọng”, đó là cần phải xây dựng niềm tin, tăng cường kỷ cương, kỷ luật chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước, trong quản lý cán bộ, điều hành.

“Vừa qua có sự chững lại trong đôn đốc các công việc, trong thay đổi tổ chức cán bộ, sắp xếp lại… Thủ tướng đề nghị anh Sơn (phụ trách Hội đồng Thành viên) và các đồng chí tạo không khí tốt, đoàn kết cao để phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt chỉ tiêu, góp phần cùng cả nước phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Petro Vietnam cần giải trình, làm rõ về các nhiệm vụ chưa hoàn thành. Tính từ đầu năm 2016 tới nay, Chính phủ, Thủ tướng giao Petro Vietnam 189 nhiệm vụ, đã hoàn thành 141 nhiệm vụ (130 trong hạn và 11 quá hạn), còn 48 nhiệm vụ chưa hoàn thành (45 trong hạn và 3 quá hạn).

“Số nhiệm vụ không nhiều nhưng số nhiệm vụ quá hạn so với các đơn vị được kiểm tra không phải là thấp. Làm sao không để nhiệm vụ nào còn sót, không nhiệm vụ nào để quá hạn. Các nhiệm vụ giao đơn vị nào, ai phụ trách, vướng mắc thế nào, nguyên nhân chủ quan hay khách quan, vấn đề nào liên quan tới các bộ? Nếu là trách nhiệm của chúng tôi thì cũng sẽ xem xét nghiêm túc, như việc tham mưu cho Thủ tướng giao nhiệm vụ thế nào, hỗ trợ tích cực hay không, các đồng chí cứ nêu thẳng thắn”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bảo Quyên

Vneconomy

Đọc tiếp »

Chưa Brexit, kinh tế Anh đã lao đao

Dù nước Anh còn chưa ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), những nền móng của nền kinh tế nước này đã bắt đầu lung lay...

Dù nước Anh còn chưa ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), cuộc ra đi được biết đến với tên gọi Brexit, những nền móng của nền kinh tế nước này đã bắt đầu lung lay, theo CNN.

Hãng tin này dẫn một báo cáo ra ngày 18/7 của tổ chức nghiên cứu Centre of London nói rằng số lượng việc làm mới được tạo ra đã giảm xuống và thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu chuyển “lạnh” ở London, trong bối cảnh cuộc đàm phán Brexit bắt đầu diễn ra giữa Anh và EU.

“Không ai biết Brexit sẽ diễn ra như thế nào, nhưng phân tích mới này cho thấy nền kinh tế London đã bắt đầu loạng choạng”, ông Ben Rogers, Giám đốc Centre of London, phát biểu.

London chiếm khoảng 13% nền kinh tế Anh và là một thỏi nam châm thu hút lao động nhập cư làm việc trong các ngành tài chính và công nghệ. Trong khi đó, Brexit được dự báo sẽ đe dọa đến hầu hết những lĩnh vực giúp London trở thành một đầu tàu kinh tế của xứ sương mù.

Tỷ lệ thất nghiệp của London hiện mức thấp kỷ lục 5,5%, nhưng bản báo cáo nói rằng tốc độ tạo việc làm mới đã giảm xuống, “cho thấy sự phục hồi hậu suy thoái của London có thể đã đi đến hồi kết”.

Ngoài ra, số lượng người nước ngoài đăng ký làm việc ở London cũng giảm mạnh. Trong quý 2, số người đăng ký mã số Bảo hiểm Quốc gia - mã số cần phải có để được làm việc tại Anh - đã giảm 15% tại London.

“Đây là dữ liệu chắc chắn đầu tiên cho thấy dòng người nhập cư vào Anh vì mục đích công việc đang chậm lại”, giáo sư Jonathan Portes thuộc trường King’s College ở London phát biểu.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản luôn nóng của London đã bắt đầu nguội đi. Tốc độ tăng giá nhà ở London so với cùng kỳ năm trước đã đạt đỉnh ở mức 14% vào đầu năm 2016. Trong quý 2 vừa qua, tốc độ tăng chỉ còn 1,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Nhưng điều tồi tệ nhất có thể còn chưa đến.

Nhiều công ty tài chính lớn như JPMorgan Chase, UBS, HSBC, và Goldman Sachs đều nói sẽ chuyển nhân sự, vốn đầu tư, hoặc cả hai khỏi Anh vì Brexit.

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, người từng vận động chống Brexit, nói ông hiểu rằng các doanh nghiệp muốn sự chắc chắn và ổn định. Tuy nhiên, ông Khan nhấn mạnh rằng một số công ty lớn vẫn đang đầu tư vào London, như Snapchat và Google công bố kế hoạch mở văn phòng mới ở London vài tháng sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit.

Thống kê công bố hồi cuối tháng 6 cho thấy nền kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 1, củng cố vị trí của nước Anh là nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong EU.

Tỷ lệ tiết kiệm trong thu nhập khả dụng của người Anh đang ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm. Vay nợ thẻ tín dụng đang ở mức cao chưa từng thấy, trong khi tiền lương trì trệ và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm.

Một báo cáo mới đây của hãng thẻ Visa cho thấy tiêu dùng của người Anh trong tháng 6 đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, khép lại tháng tồi tệ nhất từ năm 2013.

Trong khi đó, giá cả gia tăng đang tác động đến sức mua của người dân Anh. Lạm phát tại nước này đã tăng mạnh lên mức 2,9% vào tháng 5 trước khi giảm nhẹ trong tháng 6.

Mặc dù vậy, đối với London, ngành du lịch đang là một điểm sáng. Lượng du khách đến London đã tăng mạnh nhờ đồng Bảng mất giá sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Trong quý 1/2017, có khoảng 4,5 triệu du khách đến London, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo An Huy

VnEconomy

Đọc tiếp »

Muốn chống ngập, Hà Nội cần cải thiện hệ thống thoát nước

Đó là chia sẻ của PGS-TS Trần Đức Hạ đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội, một chuyên gia về quy hoạch cấp thoát nước, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Rõ ràng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội sau những trận mưa đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân thủ đô.

Đây cũng là nỗi lo lắng của người dân đặc biệt trong mùa mưa bão.