Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Quốc hội bàn về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch: Băn khoăn 'lấy tiền của ai'?

Việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết để triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, phù hợp với mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành.

“Cách đây 10 năm, Luật Du lịch đã quy định hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhưng đến nay vẫn không lập được vì không có nguồn”. Đây là lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nói tại một phiên họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hồi tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, giờ đây khi mà Kỳ họp Quốc hội đã diễn ra được một tuần và mục tiêu 6,7% thì được tái khẳng định, du lịch trở thành một trong số những ngành được trông chờ nhất của nền kinh tế. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg trước chuyến đi sang Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh du lịch Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng tới 30%, góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV.

Ngày họp thứ 6 của Kỳ họp Quốc hội, dự thảo Luật du lịch sửa đổi nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh rằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam.

Theo đó, đã có những ý kiến không đồng ý với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trước Quốc hội, ông Phan Thanh Bình trả lời: ”Việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết để triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, phù hợp với mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành du lịch”.

Một Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều vị Đại biểu. Ví dụ, Đại biểu đến từ Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh là bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng có thêm Quỹ nghĩa là sẽ có thêm nguồn phục vụ cho việc phát triển du lịch mà trong thời gian qua do hạn hẹp ngân sách nên chúng ta chưa thực hiện được tốt.

Một vấn đề cản trở sự thành lập của Quỹ này dù đã được đề cập từ lâu chính là vấn đề về nguồn vốn. Một cách đơn giản, các nhà làm luật vẫn chưa thống nhất được câu hỏi ‘những ai sẽ là người góp tiền vào quỹ này?’ trong suốt thời gian gần một thập kỷ vừa qua.

Đây cũng là một trong số những điều băn khoăn của Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương của đoàn Ninh Thuận. Theo như dự thảo luật thì nguồn thu của Quỹ sẽ đến từ 3 nguồn là vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp, cùng với nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, cá nhân hay các nguồn thu hợp pháp khác theo pháp luật.

Tuy nhiên, Đại biểu này băn khoăn rằng việc huy động nguồn cho theo như luật hiện hành sẽ không thực hiện được. Bà Hương cho rằng cần bổ sung thêm nguồn thu là từ quỹ là tham quan du lịch, phí thị thực nhập cảnh cho hoạt động du lịch. Chính sách thu này cần lưu ý là không làm tăng giá, không làm tăng phí du lịch, không làm khó, làm khổ thêm doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Có thể nói, với câu chuyện của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thì lấy nguồn thu từ ngân sách hay từ các doanh nghiệp, hành khách thì cũng sẽ đều gặp phải những cản trở.

Hiện các tour của Việt Nam không cạnh tranh được các nước trong khu vực, ví dụ chi phí vận chuyển cao đẩy giá tour lên cao, khiến cho nhiều người Việt chọn tour đi nước ngoài thay vì đi trong nước vì như thế rẻ hơn. Vốn dĩ giá tour đã cao, nếu thu thêm của khách và doanh nghiệp để phát triển quỹ là không phù hợp” - Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết của đoàn TpHCM nêu quan điểm và đề nghị nghiên cứu nguồn thu của Quỹ để không tạo ra áp lực, gánh nặng cho khách du lịch và doanh nghiệp.

Mục 2

QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Điều 1. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

1. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (sau đây gọi là Quỹ) là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động.

2. Quỹ được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Quỹ được hình thành từ các các nguồn sau đây:

a) Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp;

b) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

c) Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 2. Mục đích của Quỹ

1. Xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài.

2. Hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch.

3. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.

4. Hỗ trợ hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ

1. Không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý.

2. Thực hiện thu, chi, quyết toán, công khai tài chính, tài sản và công tác kế toán theo quy định của pháp luật.

3. Chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước về các hoạt động tài chính của Quỹ.

4. Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Số dư kinh phí năm trước của Quỹ được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Bộ trưởng Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Tour 0 đồng sẽ có thuốc đặc trị

Bộ trưởng Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã dành một phần thời lượng không nhỏ để làm rõ vấn đề tour du lịch 0 đồng gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Trong phiên họp Quốc hội chiều ngày 29/5 về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), đại biểu Trần Tất Thế đoàn Hà Nam đã chất vấn về tour 0 đồng.

“Các công ty lữ hành nước ngoài tổ chức các tour du lịch vào Việt Nam đi kèm theo các du khách, các hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài, họ hướng dẫn du khách vào mua hàng hóa tại cửa hàng mà chủ cửa hàng là người nước họ, hàng hóa của người nước họ, khuyến mại tour du lịch với giá 0 đồng như sự việc vừa xảy ra tại Quảng Ninh. Chúng ta vừa không quản lý được hoạt động của khách du lịch vừa không thu được thuế”, đại biểu Tất Thế nói.

Vị đại biểu này đặt ra câu hỏi rằng sau sự việc đó, bài học rút ra là gì, cần sửa đổi gì trong Luật. “Tôi đề nghị làm rõ hơn vấn đề này”, đại biểu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã dành một thời lượng không nhỏ trả lời về vấn đề này.

Nhận định lữ hành – tour 0 đồng – hướng dẫn viên du lịch có liên quan mật thiết lẫn nhau, Bộ trưởng Thiện cho biết vì quản lý lữ hành chưa tốt, hướng dẫn viên du lịch cũng chưa tốt mới dẫn đến câu chuyện có tour giá rẻ hay còn gọi là tour 0 đồng.

“Thực ra chúng ta gọi là tour giá rẻ, bởi vì như một đại biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên giám đốc Sở du lịch có nói, thậm chí bây giờ chúng ta đi du lịch của nước ngoài tour vẫn rẻ hơn ở Việt Nam”, Bộ trưởng Thiện nói.

Người đứng đầu ngành Du lịch cho biết việc tính toán tour của doanh nghiệp cho rẻ, hợp lý để thu hút khách thì không ai cấm, tuy nhiên, những câu chuyện được phản ánh gần đây đều có nguyên nhân của nó. Cụ thể, những người này thực hiện tour giá rẻ đó bằng việc thu những khoản thu khác mà có thể nói bất hợp pháp. Ví dụ như vào bắt khách mua ở những cửa hàng đã định sẵn và với giá cao hơn so với bình thường, hàng hóa chất lượng kém hơn.

“Đấy là gốc của vấn đề chứ không phải là gốc vấn đề ở tour giá rẻ, chúng ta phải chặn ở gốc vấn đề”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã bổ sung đối với doanh nghiệp lữ hành có một yêu cầu phải có người gọi là phụ trách, doanh nghiệp đó phải có bằng cấp, phải có kinh nghiệm, trước đây chúng ta không có, bổ sung thêm điều này.

Thứ hai, các hướng dẫn viên du lịch trong Luật đã được quy định cụ thể sẽ được tăng cường hơn công tác quản lý hơn.

“Một điều rất quan trọng để hạn chế những việc này là chúng ta phải quản lý, ví dụ như vào mua ở những cửa hàng như vậy thì quản lý thị trường phải quản lý. Rồi thuế phải thu thuế, chúng ta phải phạt thì như vậy họ không có cơ sở nào để họ có nguồn thu cả, họ không thể nào gọi là tổ chức tour 0 đồng”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Luật du lịch (sửa đổi) tại Khoản 4, Điều 9 quy định hành vi bị cấm thu lợi bất chính từ khách du lịch được xem là điểm mới để ngăn ngừa vấn nạn từ tour 0 đồng.

Theo Đức Minh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Cứu giá dầu, cuộc chiến chật vật của OPEC và Nga

Chiến lược cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC và Nga theo đuổi vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là tình trạng thừa dầu của thế giới...

Vào tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cùng với Nga và một số nước sản xuất dầu lớn khác ngoài khối đã nhất trí cùng nhau kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng. Đây là động thái nhằm “hút” sạch lượng dầu dư thừa trên toàn cầu - nhân tố đẩy giá “vàng đen” giảm sâu tới mức khó tưởng tượng trong năm ngoái.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được giữa OPEC và Nga dường như đã thiết lập được một mức “sàn” cho giá dầu thế giới từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, chiến lược này vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là tình trạng thừa dầu của thế giới, ít nhất là đến thời điểm này.

Thế giới vẫn thừa nhiều dầu

Bất chấp việc OPEC và Nga cắt giảm sản lượng, lượng dầu tồn kho ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác vẫn bám trụ ở mức cao. Điều này khiến các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn lo ngại về triển vọng giá dầu.

Chiến lược của OPEC và Nga “đến nay chưa phát huy tác dụng”, ông Matt Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, nhận định. “Họ vẫn còn cách mục tiêu một khoảng xa. Lượng dầu tồn kho hầu như chưa giảm xuống”.

Tại Mỹ, quốc gia có dữ liệu về tồn kho dầu được cập nhật thường xuyên và đáng tin cậy nhất, lượng dầu tồn kho hiện ở mức 516,3 triệu thùng. Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), con số này không chỉ cao hơn mức trung bình lịch sử, mà thậm chí còn cao hơn 6% so với thời điểm khi OPEC và Nga mới đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 11 năm ngoái.

“Lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống. Đó là lý do vì sao cần phải tiếp tục việc cắt giảm sản lượng”, ông Andrew Slaughter, Giám đốc điều hành Trung tâm Giải pháp năng lượng Deloitte, nhận định.

Điều khiến OPEC quan tâm nhiều hơn là lượng tồn kho dầu trên toàn cầu. Nhưng theo CNN, bức tranh lớn này cũng không hề tươi sáng hơn.

Lượng dầu tồn kho tại các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tăng thêm 24 triệu thùng trong quý 1 năm nay, lên mức kỷ lục 1,2 tỷ thùng - theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

“Bất chấp OPEC nghiêm chỉnh tuân thủ việc cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất dầu chính tin rằng lượng dầu tồn kho chưa hề giảm xuống”, IEA viết trong một báo cáo ra trong tháng 5.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đồng tình rằng chiến lược của OPEC đến nay mới chỉ đem lại kết quả hạn chế. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng “chưa hề có ảnh hưởng rõ rệt đối với lượng dầu tồn kho”, các nhà phân tích của Fitch viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm tuần trước.

Sau cuộc họp của OPEC vào hôm thứ Năm, giá dầu thô tại thị trường Mỹ, đã sụt 5% xuống dưới mức 49 USD/thùng, phản ánh sự hoài nghi của giới đầu tư đối với chiến lược của khối.

Trước khi diễn ra cuộc họp, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng Saudi Arabia, “thủ lĩnh” không chính thức của OPEC, và Nga sẽ gây sức ép buộc các nước khác phải giảm sản lượng sâu hơn, hoặc gia hạn thỏa thuận lâu hơn, thay vì chỉ thêm 9 tháng.

Chiều ngày 29/5 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York đứng dưới mức 50 USD/thùng.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến khiến OPEC gặp khó

Vậy đâu là lý do khiến mức cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của OPEC và các đối tác ngoài khối không thể khiến lượng dầu tồn kho của thế giới giảm xuống?

Nhiều người lo ngại rằng OPEC - khối có cả một lịch sử dài không tuân thủ hạn ngạch sản lượng của chính mình - sẽ không thực hiện đúng cam kết đưa ra. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng lần này, OPEC không “nói dối”.

Mặc dù vậy, giới phân tích nói rằng Saudi Arabia và Nga thực ra đã khiến mức thừa dầu của thế giới gia tăng khi hai nước này đẩy mạnh xuất khẩu dầu trước khi đạt thỏa thuận vào tháng 11/2016. Với sản lượng bị đẩy lên từ trước, thì việc cắt giảm sản lượng sau đó không có nhiều tác dụng.

Một vấn đề khác là lượng dầu mà OPEC xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục tăng, bất chấp sản lượng bị cắt giảm. Từ đầu năm đến nay, tháng nào Mỹ cũng nhập nhiều dầu từ OPEC hơn so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của ClipperData. “Điều này hơi khó hiểu một chút. Không biết làm thế nào họ vừa tuân thủ đầy đủ thỏa thuận giảm sản lượng mà lại không khiến lượng dầu xuất khẩu giảm đi”, ông Smith từ ClipperData nhận định.

Ngoài ra, sự trở lại của các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng là một trở lại đối với sự khởi sắc của giá dầu. Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, nhất là các mỏ dầu ở vùng Permian Basin, đã chứng tỏ vững vàng hơn những gì OPEC dự đoán.

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ công ty Baker Hughes cho biết các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đến nay đã tăng số giàn khoan hoạt động suốt 19 tuần liên tiếp, lên 722 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.

Thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC

Các nhà đầu tư lạc quan cho rằng OPEC cần thêm thời gian để đưa cung-cầu trên thị trường dầu về trạng thái cân bằng. Họ nói lượng dầu tồn kho sẽ giảm xuống nhờ việc cắt giảm sản lượng diễn ra song song với nhu cầu tiêu thụ xăng gia tăng ở Mỹ trong mùa hè.

Ông Khalid al-Falih, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia tin rằng thị trường dầu thế giới sẽ cân bằng trong quý 1/2018. Dĩ nhiên, thời hạn dự báo này đã bị lùi lại so với dự báo trước đó của chính ông Khalid rằng thị trường sẽ cân bằng trong năm 2017.

Ngân hàng Goldman Sachs đồng tình rằng mức tồn kho dầu của các nước OECD sẽ trở lại mức bình thường vào đầu năm 2018 nhờ OPEC có thêm 9 tháng cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thế cân bằng sẽ duy trì được lâu, nhất là khi giá dầu tăng khiến các nhà khai thác dầu đá phiến tăng sản lượng.

“Khi thỏa thuận này kết thúc, và đồng thời sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh, thì thị trường sẽ lại thừa cung”, ngân hàng Morgan Stanley viết trong một báo cáo ra hôm thứ Sáu tuần trước.

Đó là lý do vì sao Morgan Stanley hạ dự báo giá dầu vào cuối năm 2018 còn 55 USD/thùng, từ mức 60 USD/thùng đưa ra trước đó.

Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng nếu OPEC nối lại cuộc chiến giành thị phần, thì thế giới sẽ lại thừa mứa dầu. “Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC: nếu họ quay trở lại mức sản lượng cũ vào năm 2018 để tăng thị phần, thì giá dầu sẽ lại sụt giảm”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.

Theo Bình Minh

Vneconomy

Đọc tiếp »

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giao thương với Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho Mỹ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là vị lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo hãng tin Bloomberg, cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bàn về các vấn đề thương mại còn tồn tại từ thời ông Barack Obama.

Trong buổi phỏng vấn với Bloomberg Television, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ nhấn mạnh những lợi ích của Mỹ khi giao thương với Việt Nam, như việc nhập khẩu máy bay, động cơ tua bin hay mặt hàng ngô.

Việt Nam tôn trọng quyết định rút khỏi Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ và 2 bên đang đàm phán một cơ chế mới nhằm thúc đẩy thương mại giữa 2 nước.

“Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đã tăng đáng kể. Chúng tôi sẽ ký những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với các doanh nghiệp Mỹ và sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa có giá trị cao từ Mỹ, qua đó giúp tạo thêm công ăn việc làm tại đây”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Hãng tin Bloomberg cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng rằng những lời cam kết tạo thêm công ăn việc làm tại Mỹ sẽ thuyết phục ông Trump chú ý nhiều hơn vào các lợi ích chiến lược trong quan hệ thương mại và an ninh giữa 2 nước.

Quan hệ giữa 2 nước Mỹ-Việt Nam đã ngày một tăng cường trong suốt 40 năm qua. Tổng kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng từ con số 0 vào năm 1994 lên 47 tỷ USD vào năm 2016.

Phó Tổng giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, ông Trần Viết Thái cho biết: “Vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực rất quan trọng… đó là điều không thể phủ nhận và là lý do chúng tôi muốn trở thành đối tác của Hoa Kỳ.”

Hiện Việt Nam đang muốn hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, bao gồm cả Mỹ. Năm 2016, trong khi Trung Quốc chiếm tới 21% tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam, cao gấp đôi so với 10 năm trước, thì Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 14%.

“Chính quyền Tổng thống Trump rất quan tâm đến việc siết chặt mối quan hệ với Việt Nam bởi vị trí chiến lược của quốc gia này tại Châu Á”, chuyên gia Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương nói.

Trong buổi phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về việc đi đến sự nhất trí giữa Mỹ và Việt Nam về thương mại. Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong hiệp định TPP cho đến khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này với lý do gây thâm hụt thương mại cho Mỹ.

Với tư cách là vị lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Nhà Trắng khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không cho rằng Việt Nam gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Thủ tướng cho biết Việt Nam không bán phá giá cá da trơn và tôm, những mặt hàng quan trọng ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, nơi có nhiều cử tri ủng hộ ông Trump.

“Chúng tôi không bán phá giá. Không có bất kỳ việc bán phá giá của bất cứ sản phẩm nào mà chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi có bằng chứng để chứng minh điều đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực trong quan hệ thương mại giữa 2 nước, sự thành công của quá trình toàn cầu hóa và những cơ hội hợp tác to lớn cho 2 nước trong các vấn đề năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính và công nghệ.

Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra lạc quan về cam kết một thị trường tự do của Tổng thống Trump nhưng ông từ chối phát biểu về việc liệu Việt Nam có kế hoạch tham gia đàm phán hiệp định thương mại song phương với Mỹ hay không.

“Tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nghị sự hợp tác của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, góp phần làm giàu cho khu vực và thế giới. Hiện rất nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác trong hợp tác kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

BT

Theo Thời Đại/Bloomberg

Đọc tiếp »

15 năm đề xuất, đấu giá biển số xe vẫn chờ được hợp thức hóa

Ý tưởng đấu giá biển số xe đã có từ năm 1993 nhưng đã sớm bị tạm dừng vì không đủ cơ sở pháp lý. Sau nhiều năm, hiện nay Quốc hội vẫn đang thảo luận về nội dung cho phép đấu giá biển số xe vào Dự thảo Luật Quản lý.

Từng bị “tuýt còi” ở Hải Phòng

Năm 1993, việc đấu giá biển số xe đã đươc diễn ra tại Hải Phòng. Dù làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhưng, việc làm này đã sỡm phải chấm dứt. Do các lý do về pháp lý, chính quyền thành phố Hải Phòng đã bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”.

Năm 2007, nhằm hỗ trợ người nghèo, nhiều biển số với đầu 37, 86 đã được đấu giá bởi tỉnh Bình Thuận và Nghệ An. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Bộ Công An cũng đã sớm yêu cầu dừng các cuộc đấu giá này. Sau lần đầu triển khai tại Hải Phòng, đấu giá biển số xe vẫn vướng phái các rào cản pháp lý.

Năm 2008, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đấu giá biển số xe khi có đề xuất từ Cục Cảnh sát giao thông. Bộ Công An và Bộ Tài chính đã gấp rút xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đấu giá quyền sử dụng số đăng ký biển xe cơ giới đường bộ, chế độ thu, quản lý, sử dụng tiền đấu giá. Nhưng, một lần nữa mong muốn đấu giá biển số xe chưa thể trở thành hiện thực vì thông tư không thể vượt quá các quy định trong Luật đấu giá tài sản.

Năm 2011, khi soạn thảo Dự thảo Nghị định về đấu giá tài sản của Chính phủ, đấu giá biển số xe tiếp tục là chủ đề nóng. Có hai luồng quan điểm chưa đi đến thống nhất: coi biển số xe là tài sản; biển số xe là công cụ quản lý của Nhà nước đối với phương tiện giao thông. Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp từng cho biết, nếu biển số xe chưa phải là tài sản thì không thể tiến hành bán đấu giá.

Không chỉ Luật đấu giá cần sửa đổi

Vướng mắc của việc đấu giá biển số xe không chỉ nằm ở Luật đấu giá với quy định không coi biển số là tài sản. Thực tế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Luật Giao thông đường bộ cũng cần được sửa đổi để đấu giá biển số xe trở thành việc hợp pháp.

Ngày 29/5/2017, Quốc hội đã tiến hành thảo luật về Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo cũng mở ra hướng bán đấu giá biển số đẹp để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Góp ý kiến vào Dự thảo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất nên bãi bỏ việc cấm mua bán biển số xe, biển số xe là tài sản công. Ông Cảnh cho rằng Luật mới nên cho phép bán đấu giá biển số xe với mức giá khởi điểm từ 20 triệu đồng đối với những người muốn lấy biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày cưới, hoặc số đặc biệt đối với cá nhân chủ phương tiện. Đối với những biển số được bấm ngẫu nhiên thì vẫn tiến hành như hiện nay.

Tuy nhiên, vướng mắc cho đấu giá biển số xe còn nằm ở khoản 22 Điều 28 Luật Giao thông đường bộ, hiện đang cấm mua bán biển số xe. Do đó, Quốc hội sẽ cần cùng lúc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Cảnh, trong 99.999 số, có 12.180 số đẹp, khoảng 61.500 chủ phương tiện mong muốn có biển số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt,... Ông Cảnh cho rằng nếu thực hiện chủ trương đấu giá biển số xe ngay trong năm 2016 vừa qua, thì với 300.000 chiếc ô tô, ngân sách đã có thể thu về gần 5.000 tỷ đồng.

Theo Vương Diệu Quân

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Lối đi nào cho "TPP không có Mỹ"?

Thay vì huỷ bỏ hay bắt đầu lại từ đầu, 11 quốc gia TPP vẫn có thể hoàn thành hiệp định này.

Năm ngoái, Mỹ đặt bút ký vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) nhưng sau đó lại tuyên bố rút khỏi TPP. 11 quốc gia còn lại đã tự đưa ra hạn chót cho bản thân phải quyết định nên huỷ bỏ hay tiếp tục TPP vào tháng 11 năm nay, thời điểm hội nghị APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, có lẽ, họ không cần nhiều thời gian tới vậy. Rõ ràng, TPP là một hiệp định tích cực.

Khác với nhiều cảnh báo trước đây, sự vắng mặt của Mỹ không ảnh hưởng lớn đến mức toàn bộ hiệp định này sẽ bị phá hủy. Điều khoản của TPP quy định hiệp định sẽ chỉ có hiệu lực khi các quốc gia chiếm 85% GDP của 12 quốc gia thành viên phê chuẩn. Chỉ riêng Mỹ đã chiếm 60%, do đó nhiều người cho rằng Mỹ rút thì TPP cũng tan vỡ. Nhưng các quốc gia vẫn có thể lựa chọn sửa đổi điều khoản đó. Ngoài ra, những điều khoản khác liên quan tới Mỹ cũng cần sửa đổi hoặc loại bỏ. Nếu 11 quốc gia TPP còn lại mong muốn hiệp định này, họ hoàn toàn có thể làm được những điều trên.

Trên thực tế, ngoài một số lĩnh vực như dệt may, giày dép, nông nghiệp hay một số sản phẩm tự động, thị trường Mỹ khá cởi mở với các nhà xuất khẩu nước ngoài. Nếu không có Mỹ, mở rộng thương mại nội vùng sẽ không đem lại lợi ích lớn, nhưng TPP vẫn có tác động tích cực.

Ví dụ, TPP đòi hỏi cải cách cơ cấu nông nghiệp ở Nhật Bản. Nhật Bản hiểu rõ rằng những thay đổi này là cần thiết nếu muốn tăng năng suất cũng như nâng cao mức sống; tuy nhiên, về mặt chính trị, đây lại là thách thức. Và TPP có thể là một giải pháp cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, ngoài thuế quan thấp hơn, TPP cũng đem lại nhiều lợi ích khác. TPP cung cấp một bộ quy tắc thiết lập tiêu chuẩn kinh doanh toàn cầu trong thế kỉ 21, bao gồm nhiều lĩnh vực như tài sản trí tuệ, thương mại số và bảo vệ môi trường.

Nếu TPP được tiến hành, tiềm năng phát triển của các nước thành viên sẽ được thúc đẩy. Hiện nay, Hàn Quốc và Indonesia đang có ý định tham gia TPP. Trong tương lai, các quốc gia nằm ngoài Vành đai Thái Bình Dương có thể sẽ áp dụng các quy tắc của TPP nhằm duy trì khả năng cạnh tranh.

Với kịch bản này, người thiệt hại duy nhất lại chính là Mỹ. Mỹ sẽ bỏ lỡ nhiều lợi ích thương mại, và thậm chí, có thể mất đi vị thế vốn có trong các cuộc đàm phán thương mại cùng Nhật Bản, Canada và Mexico trong tương lai. Một vài doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển hoạt động sang các nước TPP nhằm tận dụng những lợi ích đã đạt được trong các đàm phán trước đây. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, thì có lẽ Mỹ sẽ đề nghị tái gia nhập TPP.

Malaysia đã đề xuất một phương hướng khác, đó là tái đàm phán hiệp định. Tuy nhiên, đây dường như không phải là một phương án khả thi. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho các quốc gia đã phê chuẩn TPP như Nhật Bản hay New Zealand, và sẽ kéo dài thời gian trì hoãn thực hiện TPP tới cuối năm nay.

Phương án có lợi nhất hiện nay là bảo toàn những gì đã đạt được và tiếp tục phát triển dựa trên cơ sở đó. Dù không thể đạt được thành công dự tính ban đầu, nhưng TPP vẫn có thể đem đến nhiều thành tựu đáng kể.

Theo Quỳnh Mai

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Đừng để ngành đường sắt bị lãng quên như mấy chục năm qua

Thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đề nghị cần sự đầu tư thỏa đáng hơn nữa đối với ngành đường sắt, xứng đáng với vai trò và vị trí của ngành và cho rằng “chúng ta đừng để ngành đường sắt bị lãng quên như mấy chục năm qua”.

Cần có chính sách phát triển ngành đường sắt để GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước, để đưa đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, sáng 30/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

So với kỳ họp thứ 2, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 gồm có 10 chương, 90 điều (giảm 5 điều).

Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh là: Quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý Nhà nước trong hoạt động đường sắt.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến: Chính sách phát triển đường sắt; ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt; quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động GTVT đường sắt; kinh doanh đường sắt; giá/phí trong kinh doanh đường sắt;...

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt để GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước, nhất là về đầu tư, để đưa đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay.

Đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ, quyết liệt phát triển từng loại hình đường sắt trong hệ thống GTVT nhằm kiến tạo nên một hệ thống GTVT đường sắt đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả, ít tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Dẫn chiếu hình ảnh về một ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam đã được đầu tư vào loại hiện đại nhất Đông Nam Á vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nay trở nên tụt hậu rất xa, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đề nghị cần sự đầu tư thỏa đáng hơn nữa đối với ngành đường sắt, xứng đáng với vai trò và vị trí của ngành và cho rằng “chúng ta đừng để ngành đường sắt bị lãng quên như mấy chục năm qua”.

Cũng về chính sách phát triển ngành đường sắt, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đề xuất: Cùng với phát triển đường sắt quốc gia, dự án Luật cũng cần có các quy định khuyến khích phát triển các loại hình đường sắt đô thị; quan tâm phát triển hệ thống đường sắt kết nối với các cảng hàng hải nhằm giảm áp lực về giao thông đối với hệ thống giao thông đường bộ.

Đề cập đến nội dung về quy hoạch đường sắt, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch phát triển đường sắt cho rõ và cụ thể hơn; quy hoạch kết cấu đường sắt với các ngành vận tải khác phải được đồng bộ hơn. Đồng thời bổ sung quy định thời gian lập quy hoạch, điều kiện lập quy hoạch đường sắt, kỳ quy hoạch; thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GTVT, của UBND cấp tỉnh trong quy hoạch liên tỉnh, địa phương,… Đề nghị rà soát lại nội dung quy hoạch giao thông đường sắt cho phù hợp với Luật Quy hoạch đang trình Quốc hội, phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế.

Về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động GTVT đường sắt, có ý kiến đề nghị rà soát, tổng kiểm tra đường ngang để có quy định phù hợp bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa tai nạn đường sắt và với lộ trình hợp lý để xây dựng; quy định cụ thể hơn về hành lang an toàn giao thông; quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của các cấp khi tai nạn xảy ra;…

Ngoài ra, các đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM), Trần Tất Thế (Hà Nam), Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và nhiều ý kiến đại biểu đề xuất, dự án Luật cần có các quy định rõ ràng hơn nữa trong huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hoạt động phát triển giao thông đường sắt.

Đồng thời làm rõ, tách bạch hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng đường sắt với các hoạt động dịch vụ đường sắt. Quy định rõ về vận tốc, yếu tố kỹ thuật, khổ đường và một số yêu cầu cơ bản về đường sắt tốc độ cao trong dự thảo Luật. Bổ sung quy định yêu cầu đối với ga đường sắt để xây dựng và quản lý các ga đường sắt thành các công trình đa năng, hiện đại;…

* Theo chương trình, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Theo Nguyễn Hoàng

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »