Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam chào đón các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Nhân dịp thăm chính thức Hoa Kỳ, sáng 30/5 theo giờ New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Hoa Kỳ-Việt Nam do Quỹ đầu tư Harbinger và Công ty tư vấn Asia Group tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch và Giám đốc điều hành của hơn 20 tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm trong chuyến công du Hoa Kỳ lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn ông Phil Falcone - Chủ tịch Quỹ Harbinger và ông Kurt Campbell - Chủ tịch Asia Group đã tổ chức buổi gặp mặt rất ý nghĩa này.

Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội tốt để các bên cùng trao đổi về các định hướng, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến nay, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam với 835 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm và đang đầu tư, kinh doanh rất thành công tại Việt Nam. Về thương mại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2016 đạt hơn 47 tỷ USD.

Thông tin đến lãnh đạo các tập đoàn Hoa Kỳ về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình với mức độ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, là bạn hàng thân thiết, gần gũi của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, viễn thông, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Trao đổi về cán cân thương mại, Thủ tướng cho rằng tốc độ xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam ngày càng cao và cùng với các văn bản hợp tác được ký kết trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Thủ tướng tin tưởng sẽ tạo ra khối lượng thương mại theo hướng cân bằng hơn, phát huy lợi thế của mỗi bên. Xu hướng đó không hề mâu thuẫn mà bổ trợ cho nhau như Việt Nam nhập máy móc thiết bị và một số sản phẩm từ Hoa Kỳ trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ những sản phẩm mà người Mỹ ưa dùng như cá, tôm, trái cây, giầy dép...

Lấy ví dụ về trường hợp giầy Nike đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ 138 triệu đôi một năm, Thủ tướng cho rằng nếu đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD còn 78 USD là người Hoa Kỳ hưởng.

Những nội dung chủ đạo được các nhà đầu tư đề cập và trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam liên quan đến việc thực thi chính sách của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, phát triển thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…

Các nhà đầu tư đều đánh giá Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng đầu tư trên nhiều lĩnh vực, có nguồn nhân lực dồi dào, chính trị xã hội ổn định, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đang có một quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch Quỹ Harbinger Phil Falcone, chủ đầu tư Dự án Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với vốn đăng ký đầu tư 4,2 tỷ USD, khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa tới thị trường Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian tới.

Ông Falcone mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư lâu dài và ổn định ở Việt Nam.

Ông Charles Kaye, lãnh đạo Warburg Pincus - tập đoàn đã đầu tư vào du lịch, tại Việt Nam thì cho rằng Việt Nam là điểm đến của nhiều cơ hội đầu tư với đặc điểm là tầng lớp trung lưu ngày càng đông, là một hạ tầng thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận các dịch vụ bán lẻ và chăm sóc sức khỏe, công nghệ mới.

Đại diện hãng KKR Global Institute thì cho biết hãng đang chuẩn bị một quỹ hơn 9 tỷ USD cho đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, một thị trường có dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao và là thị trường có sức cạnh tranh toàn cầu hấp dẫn.

Tham gia đối thoại tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần có những quyết định nhanh chóng trong việc triển khai các chương trình, dự án của mình trên cơ sở nhận diện rõ cơ hội đầu tư vào Việt Nam - một môi trường đầu tư với rất nhiều lợi thế riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Việt Nam, bổ sung nguồn vốn để phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy việc làm, chuyển giao công nghệ.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn của lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, nhất là những góp ý nhằm nâng cao hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ Việt Nam ghi nhận và sẽ xem xét thỏa đáng những đề xuất, khuyến nghị này trong quá trình xây dựng chính sách thời gian tới.

Nhắc lại câu nói của Tổng thống Roosevelt: “Khi tin thì bạn đã đạt được một nửa thành công,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ bước qua tuổi 20, tuổi đủ bản lĩnh, sức trẻ, vượt qua nhiều thử thách và cũng tràn đầy khát vọng, hoài bão, vươn tới những mục tiêu cao đẹp.

Thủ tướng nêu rõ với những chính sách thông thoáng, hấp dẫn và trên hết là tiềm năng con người, tiềm năng về phát triển, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế là cửa ngõ đến của một khu vực ASEAN năng động - điểm đến đầu tư mang tầm chiến lược của các đối tác nước ngoài và cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

"Cánh cửa luôn mở rộng, những cơ hội hiện hữu, Việt Nam luôn chào đón và khuyến khích các bạn đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, như phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao, năng lượng, công nghiệp chế tạo, du lịch, đặc biệt là thị trường vốn đang có nhu cầu rất lớn tại Việt Nam," Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định đây là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Hoa Kỳ với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Nhấn mạnh đến vấn đề này, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, minh bạch hơn, thân thiện với doanh nghiệp, có độ mở cao và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư bao gồm doanh nghiệp Hoa Kỳ dễ dàng tiếp cận các cơ hội, tiềm năng, hoạt động kinh doanh bình đẳng tại Việt Nam trên nguyên tắc 2 bên cùng có lợi.

Thủ tướng cũng bày tỏ hoan nghênh các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư vào thị trường thuốc chữa bệnh ở Việt Nam theo hướng cạnh tranh hơn, thuận lợi hơn và người dân có lợi hơn. Việt Nam cũng sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phát triển công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, hàng không tại Việt Nam và nhiều lĩnh vực khác.

Cũng trong ngày 30/5 theo giờ New York, Thủ tướng cũng có các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đang có những dự án đầu tư lớn tại Việt Nam như Exxon Mobil, Coca Cola, Nike.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng đã chia sẻ những thành tựu kinh tế-xã hội quan trọng của Việt Nam sau hơn ba thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập; khẳng định chủ trương cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam; khái quát những chính sách và đổi mới về kinh tế của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo PV

Vietnam+

Đọc tiếp »

Thúc đẩy phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 30/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã có buổi làm việc cấp Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ (Hội đồng TIFA).

Tại buổi làm việc, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao việc Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị MTR 23, đồng thời cám ơn sự hiếu khách và chu đáo của nước chủ nhà dành cho ông trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

Ông Robert Lighthizer khẳng định Hội đồng thương mại và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ là một cơ chế đối thoại quan trọng để xử lý các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và đóng góp của Cơ quan Đại diện thương mại Hoa Kỳ vào thành công trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng thời đề nghị Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ với vai trò cá nhân của mình sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa cho việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Với tinh thần hợp tác, thẳng thắn đối thoại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã cùng nhau thảo luận để tháo gỡ các rào cản kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã nêu quan điểm và hướng xử lý của Việt Nam đối với các vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư mà phía Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm như vấn đề quảng cáo trên các trang mạng xã hội của Hoa Kỳ, dịch vụ thanh toán điện tử, nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp…

Đồng thời, Bộ trưởng thúc đẩy phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đánh giá kỹ lưỡng và có các quyết định công bằng, phù hợp với các quy định luật pháp của Hoa Kỳ và WTO về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa của Việt Nam, dỡ bỏ chương trình điều tra cá da trơn và đẩy nhanh thủ tục cấp phép nhập khẩu trái cây từ Việt Nam…

Hai đồng Chủ tịch TIFA cũng thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Theo PV

Vietnam+

Đọc tiếp »

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam sẽ ký 15-17 tỷ USD hợp đồng kinh tế với Mỹ

Hãng tin Reuters đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông sẽ ký nhiều hợp đồng với Mỹ trị giá 15-17 tỷ USD nhân dịp chuyến thăm này, chủ yếu là trong các lĩnh vực công nghệ cao hay dịch vụ.

“Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu những sản phẩm công nghệ cao và ngành dịch vụ từ Mỹ, nhân dịp chuyến thăm này, nhiều hợp đồng quan trọng sẽ được ký kết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong bữa tối với Phòng thương mại Mỹ (USCC).

Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không cho biết thêm chi tiết về các thỏa thuận nhưng Giám đốc Điều hành GE Power, ông Steve Bolze cho biết General Electric sẽ ký hợp đồng trị giá 6 tỷ USD với Việt Nam.

Tuyên bố của Thủ tướng được đưa ra sau khi Đại diện phòng thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer bày tỏ mối quan ngại về sự gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Ông Robert cho rằng đây là một thách thức cho cả 2 nước và ông đang trông chờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có biện pháp giải quyết vấn đề này.

“Trong 10 năm qua, thâm hụt thương mại song phương giữa 2 nước đã tăng từ 7 tỷ USD lên 32 tỷ USD. Việc tăng trưởng thâm hụt này cho thấy nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng chứng tỏ tiềm năng gia tăng thương mại giữa 2 nước”, ông Lighthizer nói.

Đại diện Lighthizer và các quan chức thương mại khác đã từng cam kết tìm biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với nhiều đối tác lớn. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm ngoái đứng hàng thứ 6 về độ lớn, chủ yếu liên quan đến những mặt hàng xuất khẩu sản phẩm bán dẫn và điện tử của Việt Nam, hay những ngành truyền thống như giày dép, may mặc và đồ gỗ.

BT

Theo Thời Đại

Đọc tiếp »

‘Việt Nam xuất khẩu 100 USD, Mỹ hưởng lợi 78 USD’

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu một đôi giày Nike có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng.

Cán cân thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ là một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tối 30/5 (giờ Hà Nội).

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, năm 2016 vừa qua, buôn bán hai chiều đạt 53 tỷ USD, trong đó Mỹ nhập siêu tới 30,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tới một khía cạnh khác trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ. Lấy ví dụ về trường hợp giày Nike đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng 138 triệu đôi/năm, Thủ tướng cho rằng, nếu một đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng.

Cũng theo Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam ngày càng cao, trong 10 năm qua tăng 5 lần. Trong chuyến đi này, các doanh nghiệp hai bên sẽ ký các hợp đồng thương mại trị giá nhiều tỷ USD, sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ và tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam và của Việt Nam sang Hoa Kỳ, góp phần cải thiện đời sống cho rất nhiều người lao động ở hai nước.

“Hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có tính bổ sung cho nhau và càng tăng cường hợp tác chúng ta có nhiều lợi ích”, theo thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên tờ Washington Times ngày 30/5.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết Việt Nam thường nhập khẩu từ Hoa Kỳ máy bay (Boeing), động cơ điện, thiết bị y tế công nghệ cao, dược phẩm, trong năm 2016, đã nhập gần 1,5 triệu tấn ngô, đỗ tương, lúa mỳ, 0,5 triệu tấn bông…

Ngược lại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ những mặt hàng tôm, cá tra, rau quả, đồ gỗ, hàng may mặc, giầy dép… mà người dân Hoa Kỳ ưa dùng. Giữa tháng 5/2017, Tập đoàn sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk đã nhập 2.000 con bò sữa cao sản từ Hoa Kỳ và sẽ là 8.000 con trong năm nay để nhân rộng nguồn sữa chất lượng cao cho trẻ em Việt Nam.

Thủ tướng tin tưởng rằng các văn bản hợp tác được ký kết trong chuyến thăm Mỹ lần này sẽ làm cân bằng hơn cán cân thương mại, phát huy lợi thế của mỗi bên, bổ trợ cho nhau.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, hai bên đã tái khởi động Cơ chế hợp tác theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để trao đổi, hợp tác giải quyết những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Hiện tại các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực trao đổi, hoàn thiện cơ chế hợp tác thương mại theo hướng hiệu quả, thuận tiện và đôi bên cùng có lợi.

“Có thể thời điểm này, việc theo đuổi các thỏa thuận tự do thương mại đa phương như TPP chưa được Hoa Kỳ ưu tiên. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Hoa Kỳ, nhưng tôi tin là xu thế tự do hóa, liên kết kinh tế vẫn được Hoa Kỳ thúc đẩy trong các thỏa thuận song phương”, Thủ tướng trả lời phỏng vấn Bloomberg trước chuyến thăm.

Cần giải tỏa băn khoăn về thương mại Việt-Mỹ

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những kỳ vọng đối với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu từ ngày 29/5, TS Trần Du Lịch cho rằng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, giới doanh nghiệp hiện đang có những băn khoăn, lo lắng vì hiện Việt Nam được cho là nằm trong nhóm các nền kinh tế mà Mỹ đang nhập siêu lớn.

"Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ sẽ giải tỏa được tâm lý lo lắng trên, và Mỹ sẽ không thay đổi chính sách thương mại với Việt Nam, để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước", ông Trần Du Lịch nói.

Ông Trần Du Lịch phân tích thêm, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng hơn 20% trị giá xuất khẩu của Việt Nam, nhưng so với thị trường Mỹ vẫn còn rất nhỏ. Nếu xét theo dân số, Việt Nam đứng thứ 14, chiếm hơn 1% dân số của thế giới, nhưng xuất khẩu của Việt Nam so với tổng nhập khẩu của thế giới mới chỉ chiếm chỉ khoảng 0,5%.

Do vậy, nếu chia thị phần nhập khẩu của thế giới theo tỷ lệ dân số, xuất khẩu của Việt Nam phải ở mức 500 tỷ USD, tức gấp 3 lần hiện nay và điều này hoàn toàn có thể bởi năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn còn lớn.

Theo Hà Chính

Chinhphu.vn

Đọc tiếp »

Luật có nên cho tố cáo qua e-mail, fax, điện thoại...?

Một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng với gần 60% đơn thư hiện nay là tố cáo sai thì không nên xem xét tố cáo nặc danh...

“Cứ gần đến dịp bầu cử, đại hội là có tình trạng đơn thư tố cáo trong nội bộ, nói xấu nhau loạn lên”.

Đây là chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân của Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), chiều 30/5.

Trình Quốc hội sửa luật, Chính phủ cho rằng vẫn nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp như luật hiện hành.

Tuy nhiên, đa số ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - lại cho rằng cần bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua e-mail, điện thoại, bản fax, qua mạng thông tin điện tử…, vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay.

“Chạy theo thì không khác gì đánh nhau với cối xay gió”

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, khi thảo luận tại Uỷ ban Pháp luật thì Thanh tra Chính phủ đã đồng ý mở rộng rồi, nhưng sau đó thì Chính phủ lại không đồng ý.

“Chính phủ phải chuẩn bị lại chứ không thể làm cho xong”, ông Xuyền góp ý.

Đồng ý là sửa luật thì phải tiến bộ hơn nhưng đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Thái Bình) cho rằng phải đảm bảo khả thi, nhất định phải xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo.

Đại biểu Diên nói: “Đã tố cáo thì phải chịu trách nhiệm, qua e-mail thì máy chủ ở nước ngoài, qua tin nhắn thì sim rác thì rất nhiều. Có nhiều người bất mãn cứ gửi liên tục thì mất ổn định xã hội, mình chạy theo thì không khác gì đánh nhau với cối xay gió”.

Cho rằng chấp nhận mở rộng các hình thức tố cáo thì không công bằng giữa người tố cáo và người bị tố cáo, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) lập luận, trong trường hợp tố cáo sai thì người bị tố cáo chịu thiệt, người nhắn tin tố cáo thì... vô tư.

Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) góp ý, nếu đồng ý tiếp nhận tố cáo qua các kênh này, trước hết phải đảm bảo vấn đề bảo mật, vì nếu tố cáo sau đó được khẳng định là không đúng thư, băng ghi âm lời lẽ tố cáo đã bị phát tán thì rất ảnh hưởng đến cán bộ, người bị tố cáo.

Ông Quỳnh nhấn mạnh, nếu chấp nhận hình thức tố cáo qua e-mail thì cũng phải có chữ ký điện tử.

“Đơn thư khuyết danh hiện đang rất phức tạp”

Có xem xét đơn thư tố cáo nặc danh hay không cũng là vấn đề được quan tâm thảo luận. Quan điểm của Chính phủ là chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng với gần 60% đơn thư hiện nay là tố cáo sai thì không nên xem xét tố cáo nặc danh.

“Ở Đảng bộ, tôi cứ nói thẳng là ông nào ký tên vào đơn thì tôi giải quyết, không thì thôi. Còn đưa việc này vào luật sẽ có những cái khó đấy. Vấn đề này, cần giải quyết linh hoạt trong thực tế thì hơn”, Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nói.

Ông cảnh báo, đơn thư khuyết danh hiện đang rất phức tạp, cứ đi theo giải quyết nhiều khi… hết hơi.

Nhưng cũng có những ý kiến khác.

Dẫn chứng về việc nhiều thông tin dù là tố cáo nặc danh vẫn giàu giá trị, có thể sử dụng, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) nêu thực tế, hiện ngành giáo dục đang quyết liệc chống việc học thêm, dạy thêm, nhưng tình trạng dạy thêm vẫn phổ biến. Phụ huynh không dám tố cáo vì nếu nói ra thì sợ con mình bị trù dập.

“Vậy thì những phản ánh rất thực tế này, nếu có giấu tên cũng rất đáng phải xem xét, nghiên cứu chứ”, bà Thúy nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng băn khoăn, nếu không chấp nhận tố cáo giấu tên thì có thể làm bỏ lọt nhiều vấn đề có cơ sở thực tế, có chứng lý.

Theo ông Thắng, luật nên có cơ chế mở ghi rõ, cơ quan có trách nhiệm trong trường hợp nhận được nhiều tố cáo của người dân dù giấu tên nhưng về cùng một việc, một người mà có cơ sở, logic thì cần phải xem xét, đánh giá cụ thể.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

Đọc tiếp »

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu nói của Tổng thống Franklin Roosevelt: “Khi tin thì bạn đã đạt được một nửa thành công”

Câu nói trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại trong buổi tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Thủ tướng được giới chức trách Mỹ nhận định diễn ra “đúng thời điểm” và là “cơ hội quan trọng” chứng minh mối quan hệ song phương.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump vào lúc 3h20 chiều nay (giờ Mỹ, tức sáng sớm mai giờ Việt Nam) tại Nhà Trắng. Tờ Washington Times đánh giá đây là dấu hiệu rõ nét nhất cho quan hệ Việt – Mỹ, ngày càng chia sẻ những lợi ích chiến lược cũng như quan điểm chung đối vói khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên và là nhà lãnh đạo châu Á thứ ba thăm Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017.

Ông David Brown, nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ thì cho rằng cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục bản thân nó là một sự kiện “đầy ý nghĩa”.

Bên cạnh việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin, góp phần thúc đẩy hợp tác, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn đặt trọng tâm vào việc duy trì, thúc đẩy đà phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong bối cảnh Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định TPP.

Bởi lẽ, ngay cả khi không có TPP, Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm đổi mới, hội nhập quốc tế và thực thi các cam kết theo tiêu chuẩn thương mại công bằng vì điều đó có lợi cho chính Việt Nam đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Hiện, Việt Nam đang có quan hệ kinh tế thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương với 59 đối tác, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Washington Times dẫn lời Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho rằng nếu hai nước thảo luận về một hiệp định thương mại tự do song phương, do các doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh tại Việt Nam đề xuất, thì điều đó chứng tỏ tiềm năng của hai nền kinh tế, tạo thêm việc làm cho cả hai nước.

Trước khi sang Washington gặp gỡ các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và Hội đàm với Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một loạt các hoạt động tại New York nhằm giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đồng thời tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh, quyết tâm mở cửa hội nhập...

Trước đó, phát biểu khi tham dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ ngày 30/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt: “Khi tin thì bạn đã đạt được một nửa thành công”, cho rằng mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ đã bước qua tuổi 20, tuổi đủ bản lĩnh, sức trẻ, vượt qua nhiều thử thách và cũng tràn đầy khát vọng, hoài bão, vươn tới những mục tiêu cao đẹp.

Quan hệ kinh tế - thương mại-đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển vượt bậc kể từ khi bình thường hóa quan hệ, vừa là trọng tâm vừa là động lực cho quan hệ đối tác toàn diện, đóng góp vào tăng trưởng và tạo việc làm ở cả hai nước.

Theo T.Nguyen

Chinhphu.vn

Đọc tiếp »

Tổng thống Donald Trump: "Ngài Thủ tướng đã làm được điều ngoạn mục ở Việt Nam"

Chiều 31/5 theo giờ Washington D.C tức rạng sáng ngày 1/6 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đón tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng.

Reuters dẫn lời Tổng thống Trump cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các vấn đề thương mại trong cuộc gặp tại Nhà Trắng và hai nước đã ký nhiều hiệp định thương mại.

Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ và có bài phát biểu trước phóng viên. Trong vai trò chủ nhà, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Thật vinh dự được đón ngài Thủ tướng Việt Nam tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Ngài Thủ tướng đã làm được điều ngoạn mục ở Việt Nam, dẫn dắt nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại.... Chúng tôi rất mong đợi được làm việc cùng nhau”.

Sau cuộc gặp gỡ, Tổng thống Trump cũng chia sẻ: “Chúng tôi có thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam và hy vọng sẽ sớm cân bằng trong thời gian ngắn sắp tới. Chúng tôi tin tưởng có thể thực hiện được điều đó".

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: “Các đối tác Việt Nam vừa có đơn đặt hàng rất lớn với phía Mỹ và chúng tôi đánh giá cao những hợp đồng nhiều tỷ USD đó. Nó cũng có nghĩa là sẽ có thêm việc làm cho người Mỹ và những trang thiết bị rất, rất tuyệt vời cho phía Việt Nam”.

Tuy nhiên, Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết về các giao dịch.

Theo Linh Anh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »