Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Các nhà đàm phán 11 nước họp bàn về TPP mà không có Mỹ

Các nhà đàm phán hàng đầu của 11 nước ngày 2/5 đã bắt đầu nhóm họp tại thành phố Toronto (Canada) để thăm dò khả năng đưa vào hoạt động Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có sự tham gia của Mỹ.

Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Keiichi Katakami trong ngày 1/5 và 2/5 đã gặp 9 trong số 10 người đồng cấp để trù bị cho cuộc họp kéo dài 2 ngày nói trên ở thành phố Toronto. Trả lời báo giới trước thềm cuộc họp, ông Katakami bày tỏ Tokyo tin tưởng rằng 11 quốc gia cần đoàn kết để đưa TPP có hiệu lực.

Sau cuộc họp trên, Bộ trưởng thương mại các nước cũng sẽ tiến hành một hội nghị trong tháng Năm. Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận mới vào giữa tháng 11, khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Trước đó Nhật Bản từng do dự trong việc đưa TPP có hiệu lực mà không có Mỹ, thị trường lớn nhất trong khối này. Tuy nhiên, trước nguy cơ thương mại tự do bị đe dọa với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, đã có ngày càng nhiều lời kêu gọi trong chính quyền Nhật Bản muốn Tokyo đảm nhận vai trò đi đầu để duy trì đà của thương mại tự do.

Theo PV

Vietnam+

Đọc tiếp »

Bộ trưởng Mnuchin: Kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3% trong hai năm tới

Phát biểu tại một hội nghị ở California ngày 1/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng kinh tế Mỹ có thể đạt nhịp độ tăng trưởng 3% trong hai năm tới, khi chính quyền Donald Trump triển khai gói cắt giảm thuế mạnh tay.

Nhận định trên của ông Mnuchin được đưa ra gần một tuần sau khi kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập đối với các cá nhân và doanh nghiệp xuống 15% được loan báo. Ông cho rằng cải cách thuế cùng với việc nới lỏng những luật lệ quy định sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vài ngày trước đó, số liệu của chính quyền cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu trong quý 1 khi chỉ tăng 0,7%.

Tuy nhiên, khi chưa có nhiều chi tiết mới trong các kế hoạch của ông Trump được công bố và khung thời gian còn chưa rõ ràng, một số người tham dự hội nghị tỏ ý lo ngại rằng bầu không khí lạc quan có thể bắt đầu lắng xuống.

Giám đốc đầu tư toàn cầu của Guggenheim Partners, Scott Minerd, cho rằng nếu cải cách thuế và y tế không được đưa ra từ nay đến cuối năm, các thị trường sẽ hoài nghi về khả năng thực hiện của chính quyền Trump.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay ông đang cùng làm việc với các nhà lãnh đạo trong Quốc hội để thúc đẩy cải cách thuế và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng. Ông nói thêm chính quyền Trump đã mời nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tới Nhà Trắng để lắng nghe những tâm tư và kỳ vọng của họ về vấn đề thay đổi đối với thuế.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ben Bernanke tỏ ý hoài nghi cam kết của chính quyền về việc thúc đẩy tăng trưởng lên 3% nhằm tạo việc làm và có cơ sở để giảm thuế. Ông cho rằng cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong ngắn hạn, khi làm tăng nhu cầu và tăng chi tiêu tiêu dùng, nhưng chưa chắc điều này sẽ được duy trì trong dài hạn.

Liên quan đến chính sách của Fed, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 3/5, với lý do là dù thị trường việc làm phục hồi khá ổn định, nền kinh tế vẫn tăng trưởng thất thường. Hầu hết các nhà phân tích nhận định Fed sẽ nâng lãi suất ít nhất là thêm hai lần nữa trong năm nay.

Theo Lê Minh

Vietnam+

Đọc tiếp »

Một ngày ở đường dây nóng CSGT TP.HCM

Khi tiếp nhận các phản ánh bức xúc về cách cư xử của CSGT, phòng CSGT sẽ ghi nhận và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Từ giữa năm 2016, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã đưa hai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 giờ.

Trong đó, số điện thoại 0994.676.767 sẽ tiếp nhận giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân về công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng CSGT; riêng số 069.3187.521 sẽ tiếp nhận phản ánh về cách cư xử của CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ và các tin tức liên quan đến trật tự an toàn giao thông.

Từ báo kẹt xe đến hỏi về mức phạt

Một ngày cuối tháng 4, có mặt tại khu vực trực đường dây nóng, PV nhận thấy Đại úy Lê Kim Tùng, trực ban của PC67, liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Ông Phạm Văn Bình, ngụ quận Tân Bình, gọi điện thoại đến đường dây nóng để thông báo tình hình kẹt xe đang diễn ra ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Bình cho biết: “Tôi đang trên đường vào sân bay, thấy khu vực này đang kẹt xe rất nhiều, đặc biệt là đoạn từ đường Bạch Đằng ra Trường Sơn…”.

Đại úy Tùng đáp: “Hiện nay lực lượng CSGT đang được điều tới khu vực đó, nỗ lực điều tiết để giải quyết tình trạng đó nhưng cần có thời gian để gỡ nút thắt. Cảm ơn anh đã cung cấp thông tin kịp thời. Mong anh sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn nữa”.

Sau đó, một người dân khác gọi điện thoại đến thắc mắc về việc xử phạt xe tải van khi chạy vào giờ cấm. Cụ thể, người này hỏi: “Tôi hiện đang chạy xe tải van, tôi muốn biết xe của tôi có được chạy vào giờ cao điểm hay không? Nếu tôi vi phạm thì mức phạt sẽ là bao nhiêu?”.

Vấn đề này được Đại úy Tùng giải đáp nhanh gọn vì trước đó đã có nhiều trường hợp từng hỏi. Ông Tùng giải thích: Xe tải van có khối lượng chuyên chở từ 0,5 tấn trở lên thì bị cấm lưu thông vào hai thời điểm trong ngày là từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ. Mức phạt được áp dụng theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Mỗi tháng nhận hơn ngàn cuộc gọi

Đại úy Lê Kim Tùng cho biết mỗi ngày đường dây nóng đều đổ chuông với trung bình 40 cuộc gọi, đa phần là phản ánh tình hình trật tự an toàn giao thông, thắc mắc về mức xử phạt và được CSGT hỗ trợ giải đáp hết mình.

“Ngoại trừ những trường hợp gây rối thì mỗi khi người dân gọi đến cần sự trợ giúp thì ở đây sẽ hỗ trợ hết sức, bất kể giờ giấc, làm sao giải đáp hết băn khoăn của họ. Đặc biệt đường dây nóng phải trả lời ngắn gọn nhưng đủ ý, đảm bảo không có ai gọi đến đường dây nóng mà máy bận” - Đại úy Tùng nói.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng PC67, cho biết trong thời gian qua đường dây nóng của phòng đã tiếp nhận nhiều thông tin thể hiện tình hình trật tự an toàn giao thông nổi cộm của TP. Đó là việc tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, ùn ứ giao thông, các vụ việc mất đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ, kể cả việc triều cường, cây đổ, mất xe; những thắc mắc về mức phạt đối với xe tải, thủ tục đăng ký xe, giờ cấm xe tải lưu thông…

Những thắc mắc về thông tin xử phạt sẽ được cán bộ giải đáp cho người dân; những tin báo về ùn ứ giao thông, tai nạn giao thông, tình trạng tụ tập gây rối sẽ được ghi chép lại và báo đến đơn vị phụ trách địa bàn để được giải quyết sớm nhất.

Sẵn sàng nghe dân phàn nàn

Đại úy Tùng cũng cho hay thời gian qua đường dây nóng cũng có những phản ánh về cách cư xử của CSGT. Trong đó có lần một người dân cho biết họ không hài lòng với cách xưng hô trống không của một số cán bộ CSGT khi làm nhiệm vụ. Việc này được trực ban ghi lại và báo cáo lên cấp trên để xác minh và có nhắc nhở đến những CSGT đó ngay lập tức.

Trung tá Huỳnh Trung Phong cũng cho biết: “Đội ngũ trực ban của phòng cũng nhận được một số thông tin phản ánh bức xúc về hoạt động, cách cư xử của lực lượng chức năng. Những thông tin đó sẽ được ghi lại, sau đó căn cứ vào đó để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; nếu sự việc nghiêm trọng sẽ phải xác minh kỹ hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Phong, những thông tin người dân cung cấp về vấn đề trật tự an toàn giao thông có độ chính xác cao nhưng riêng thông tin phản ánh về cách cư xử, thái độ của cán bộ CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ thường không đầy đủ do không nói rõ thời gian, vị trí, tên cán bộ CSGT, biển số mô tô đặc chủng, phù hiệu trên ô tô dẫn đến khó khăn trong công tác xác minh, xử lý.

Do đó, ông Phong lưu ý người dân khi phản ánh thông tin về cách hành xử, thái độ của cán bộ CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ cần cung cấp cụ thể thời gian, vị trí, tên cán bộ CSGT, biển số xe, phù hiệu xe.

“Lực lượng CSGT rất cầu thị và mong muốn nhận được những góp ý, đóng góp của công dân để lực lượng CSGT ngày càng hoàn thiện hơn và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân” - Trung tá Huỳnh Trung Phong nói.

Gọi đường dây nóng để… giải buồn

Khi trực đường dây nóng cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười. Có lần vào lúc 3 giờ sáng, có một thanh niên gọi điện thoại đến bảo rằng mình buồn quá nên cần người tâm sự. Tôi đành phải giải thích rằng đây là đường dây nóng chỉ tiếp nhận các thông tin phản ánh về trật tự giao thông, cách cư xử của CSGT hay thắc mắc về xử phạt chứ không phải để gọi điện thoại tâm sự.

Đại úy LÊ KIM TÙNG

Theo Lê Thoa

Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Đọc tiếp »

Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam

Thay vì tiếp tục rót vốn vào các dự án sản xuất, chế tạo như trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất, cụ thể trong ngành bán lẻ.

Đây hiện là một trong những lĩnh vực phi sản xuất được các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, với sự xuất hiện của hàng loạt trung tâm thương mại đến từ Nhật Bản như: Aeon Mall, Takashimaya...

Chỉ riêng Aeon Mall, tính đến nay, doanh nghiệp này đã có 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam và đang có kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại thứ 5 tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Ông Yukio Konishi - Tổng giám đốc Công ty Aeon Mall Việt Nam chia sẻ: "Theo tính toán, cứ khoảng một triệu dân, thì có thể mở một trung tâm thương mại. Vì vậy, tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi nơi chúng tôi sẽ mở 10 trung tâm thương mại. Chúng tôi rất trông chờ vào sự phát triển này".

Trước đó, nhiều chuỗi cửa hàng tiện ích của Nhật Bản như: Family Mart, Ministop,... đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Theo báo Nikkei (Nhật Bản), vào tháng 2/2018, 7-Eleven - một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới, sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam.

Tuy nhiên nhiều đại diện phía Nhật Bản cho biết, hiện các doanh nghiệp bán lẻ của nước này vẫn gặp một số khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam.

"Các doanh nghiệp bán lẻ của chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển tại Việt Nam để có thể đưa được những sản phẩm tươi, giữ nguyên chất lượng đến tay người tiêu dùng. Hi vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng các chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản", ông Katsuro Nagai - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nói.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, số dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 560 dự án. Trong đó, số dự án đầu tư ở lĩnh vực khách sạn, dịch vụ ăn uống tăng gấp đôi.

Ở chiều ngược lại, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực chế tạo Việt Nam hiệnđang sụt giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế Nhật Bản chững lại trong những năm gần đây khiến các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo - đa phần là các doanh nghiệp lớn của nước này - dè dặt hơn trong việc lựa chọn dự án đầu tư.

Do đó, để có thể thu hút đầu tư cùng lúc vào cả hai lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế tạo, Việt Nam cần sớm nhanh chóng cải thiện trình độ kỹ thuật và trình độ tay nghề của người lao động.

Theo PV

VTV

Đọc tiếp »

Doanh nghiệp tạm ngưng nhập khẩu để hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn nội địa

Ngày 3/5, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối trên địa bàn về tình hình thu mua, kích cầu tiêu thụ thịt lợn nội địa.

Nhiều đơn vị sản xuất cho biết trong những tháng gần đây, họ đã tạm ngưng nhập khẩu thịt lợn phục vụ chế biến thực phẩm, đồng thời triển khai chương trình khuyến mãi để hỗ trợ tiêu thụ lợn nội địa.

Tạm ngưng nhập khẩu

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết Công ty Vissan đã thống nhất với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Công Thương tỉnh Long An về giải pháp tạm ngưng nhập khẩu thịt lợn phục vụ chế biến thực phẩm để hỗ trợ tiêu thụ lợn tại tỉnh Long An. Tuy nhiên, việc "giải cứu" lợn thịt cho người nông dân được Công ty Vissan thực hiện trên cơ sở ưu tiên sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc.

Đánh giá về khả năng thu mua, tạm trữ và cấp đông, ông Nguyễn Đăng Phú cho rằng Công ty Vissan có thể tăng cường giết mổ khoảng 1.800 con lợn. Hiện tại, Công ty Vissan thu mua giá lợn loại 1 đạt tiêu chuẩn VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc với giá 26.900 đồng/kg, cao hơn một số đơn vị thu mua khác. Lợn mỡ hoặc lợn quá lứa, không đạt các tiêu chuẩn VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc được thu mua với giá khoảng 21.000 đồng/kg.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cho biết để sản xuất, chế biến sản phẩm, doanh nghiệp sử dụng song song nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước tình hình giá lợn trong nước chạm đáy, doanh nghiệp đã tạm ngưng nhập khẩu để hỗ trợ thu mua sản phẩm lợn trong nước. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua, tạm trữ từ 200-250 tấn sản phẩm thịt lợn. Đây là sản lượng tương đương với nguồn nguyên liệu sản xuất trong 3 tháng của doanh nghiệp.

Song song với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ giải cứu ngành chăn nuôi lợn, các doanh nghiệp cũng kêu gọi người nông dân chủ động phối hợp để đảm bảo quyền lợi của các bên. Bởi khi hỗ trợ nông dân thu mua lợn, doanh nghiệp chịu áp lực về gánh nặng chi phí đầu vào như chi phí cấp đông làm chi phí đầu vào lên 20-30%; chi phí kho lạnh tạm trữ... Bên cạnh đó, sản phẩm cấp đông khi đưa ra thị trường tiêu thụ đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu dán nhãn nên giá thành cao hơn thịt lợn tươi 4.000 đồng/kg.

Theo một số doanh nghiệp khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do năng lực nhà máy sản xuất, kho dự trữ có hạn nên họ không thể thu mua tạm trữ như kỳ vọng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thị phần khiêm tốn nên chưa mạnh dạn thu mua sản lượng lớn.

Báo cáo từ Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy giá lợn hơi hiện nay tại khu vực phía Nam dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg tùy loại; giảm từ 13.000-15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016 (khoảng 40%). Đặc biệt, các loại lợn hơi chăn nuôi không theo quy trình VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc có giá giảm mạnh nhất.

Qua khảo sát thực tế của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tại một số tỉnh, thành Đông, Tây Nam Bộ như Long An, Đồng Nai, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre..., đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên chưa cập nhật đầy đủ thông tin thị trường, chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái nhận tiền mặt, ngại liên kết.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lợn thịt sang các nước lân cận gặp nhiều khó khăn khi trong những năm gần đây, người chăn nuôi không giảm đàn dẫn đến dư thừa về lượng.

Sức mua tăng 30%

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà nhiều hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nỗ lực đưa mặt hàng thịt lợn vào các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết trong một tháng qua, ngoài thực hiện giảm giá mặt hàng thịt lợn bình ổn thị trường, Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp triển khai hoạt động khuyến mãi liên tục cho nhiều sản phẩm thị lợn với mức bình quân từ 10-20%. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại Saigon Co.op tăng từ 20-30% so với thời điểm trước đó.

Theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc bộ phận Quan hệ công chúng Central Group và Big C Việt Nam, sau một tuần thực hiện chương trình giảm giá sâu mặt hàng thịt lợn từ 20-30%, để hưởng ứng các giải pháp hỗ trợ người nông dân, sức tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C đã tăng hơn 30% so với thời điểm chưa có khuyến mãi.

Mặt khác, hệ thống Big C đang chủ động liên tục cập nhật giá theo tình hình biến động của thị trường và linh hoạt điều chỉnh giảm giá tương ứng để hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn nội địa.

Nhằm chung tay hỗ trợ các cơ sơ sản xuất chăn nuôi và bà con nông dân tiêu thụ thịt lợn, hệ thống Lotte Mart tiến hành giảm giá bán, kích thích cầu tiêu dùng, tăng sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại siêu thị. Hệ thống Lotte Mart thực hiện giảm giá tất cả sản phẩm thịt lợn ở mức từ 10-20%, tùy sản phẩm.

Hiện tại, giá bán phổ biến một số sản phẩm thịt lợn tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như thịt lợn đùi là 59.000 đồng/kg, thịt ba rọi 71.500 đồng, cốt lết 69.000 đồng/kg, thịt vai 58.000 đồng/kg, thịt lợn xay 70.000 đồng/kg, chân giò 55.000 đồng/kg...

Nhận định về công tác hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng thịt lợn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay ngoài việc làm việc với các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, hệ thống phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương thành phố cũng xúc tiến gặp gỡ các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của nhiều tỉnh, thành như Long An, Đồng Nai... đẩy mạnh các giải pháp. Dự kiến, tổng sản lượng đưa vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ từ 9.000-10.000 con/ngày, giữ ổn định giá bán.

Về lâu dài, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thí điểm Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, định hướng hoạt động sản xuất, chăn nuôi phát triển theo chiều sâu, tập trung chất lượng, giảm dần hoạt động chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, qua đó xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, liên thông trực tiếp người chăn nuôi với thương nhân, từng bước hình thành mô hình liên kết, giảm tối đa chênh lệch giá bán từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.

Theo Mỹ Phương

vietnam+

Đọc tiếp »

Phải tiêu hủy 19.997 viên thuốc hết đát, BV nói gì?

Chiều ngày 3-5, ông Phù Chí Dũng – Giám đốc BV Truyền Máu huyết học đã giải thích một số thông tin về lý do phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna trị ung thư máu do hết đát.

Theo kết luận từ thanh tra TP.HCM cho thấy năm 2014 và 2015, BV Truyền máu huyết học TP nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc Glivec 100mg và thuốc Tasigna 200mg theo chương trình viện trợ 3 bên gồm Truyền máu và huyết học TP, Tổ chức The Max Foundation-Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thuỵ Sỹ (trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy) cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỉ đồng.

Tuy nhiên, BV này để tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỉ đồng.

Chiều ngày 3-5, trao đổi với báo chí, ông Phù Chí Dũng – Giám đốc BV Truyền Máu huyết học giải thích, lượng thuốc đặc trị ung thư BV buộc phải thiêu hủy vừa qua nằm trong chương trình Tasigna Copay vì mục đích nhân đạo. Đây cũng là chương trình đầu tiên tại Việt Nam cần có sự đồng chỉ trả của người bệnh, tức khi nhận thuốc từ công ty, người bệnh phải chi trả 4% tức mỗi năm bệnh nhân đóng khoảng 42 triệu đồng. “Cũng từ nguyên nhân do quy định tham gia Tasigna Copay là chương trình đồng chỉ trả, không phải cung cấp thuốc miễn phí 100% như đối với thuốc Glivec trước nên ban đầu BV dự kiến chỉ có khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện để tham gia chương trình Tasigna copay. Tuy nhiên khi nhận được thuốc, chỉ có 26 bệnh nhân được tham gia chương trình này” – bác sĩ Dũng giải thích.

Ngoài ra, 34.608 viên được công ty Novartis cung cấp điều trị được đưa về Việt Nam trễ so với dự kiến, đến nơi thì hạn sử dụng chỉ còn dưới 10 tháng do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc.

“Vì những lý do trên, BV đã dự đoán chắc chắn không thể nào sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn. Do đó BV đã tổ chức nhiều cuộc họp với người bệnh, với công ty Novartis để giải thích cho người bệnh lợi ích của việc sử dụng Tasigna. Tuy nhiên số tiền đồng chi trả đối với bệnh nhân đa phần từ tỉnh lên vẫn còn quá lớn nên bệnh nhân không mặn mà.

Bên cạnh đó, BV cũng đã đề nghị công ty Novartis cho phép mở rộng Chương trình đến các BV trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML bằng thuốc Glivec hoặc thông bảo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên, công ty không đồng ý...” – ông Dũng giải thích.

Ông Dũng cũng cho rằng kết luận thanh tra nói mất 14 tỷ không đúng. Tính theo giá của thời điểm năm 2015 và theo giá viện trợ, tổng giá trị lô thuốc này là 3.864.973.830 đồng (gần 4 tỷ đồng) chứ không phải tính theo giá trị thời điểm thanh tra là gần 14 tỷ đồng. Nguyên nhân là do BV sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của Thanh tra TP gửi BV trước khi có kết luận chính thức.

"Chúng tôi đã gửi giải trình cho Thanh tra TP về con số nói trên và hiện chưa nhận được phản hồi".

Theo Hà Phượng

Pháp luật Tp.HCM

Đọc tiếp »

Ngành ngân hàng vào cuộc "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Thời gian vừa qua ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ do giá lợn giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống người chăn nuôi.

Do vậy, để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn, giúp người dân, DN vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, NHNN đã có công văn số 3091/NHNN-TD gửi các TCTD yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Theo đó, các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại cho vay được giữ nguyên nhóm nợ một lần đối với một khoản nợ; cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện trên toàn hệ thống, định kỳ hàng quý các TCTD báo cáo NHNN kết quả thực hiện các giải pháp nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các TCTD kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, xử lý.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, giao NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại, các TCTD xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới đối với những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay cho phát triển chăn nuôi và sản xuất.

Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng nhiều DN chăn nuôi đã bày tỏ mong muốn ngành ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các DN, hộ kinh doanh ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn; bởi các DN và hộ kinh doanh ngành này thường không có vốn tự có, chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng.

Theo Hương Dịu

Hải quan

Đọc tiếp »