Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Cựu CEO trẻ nhất ngành Ngân hàng Việt Nam: Nhiều bạn trẻ chọn việc vì 'phù hợp' hay 'lương cao', mà bỏ qua tiêu chí làm nên 80% sự thành đạt trong tương lai

Cứ nghĩ rằng chọn việc 'phù hợp' hay 'lương cao' là đủ. Điều này liệu có còn đúng ?

“Em muốn chọn công việc phù hợp với bản thân”, hay thực tế hơn thì là “em muốn chọn công việc lương cao” – Có lẽ đó là những câu trả lời mà các nhà tuyển dụng được nghe thường xuyên nhất trong các buổi phỏng vấn, đặc biệt khi câu hỏi được đặt ra là “Tại sao em chọn công việc này ?”.

Một công việc hợp với mình, hay một công việc có lương cao – đó đều là những mong muốn chính đáng mà bất cứ ai đi tìm việc đều có quyền đặt ra. Thế nhưng, liệu rằng với một sinh viên mới ra trường, những tiêu chí đó liệu có đủ để giúp đưa ra quyết định lựa chọn một công việc ?

‘Không đủ, hoặc thậm chí còn khiến các bạn trẻ vuột mất cơ hội thăng tiến’

Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi trên được rút ra từ những kinh nghiệm mà anh Phạm Duy Hiếu – Cựu CEO ABBank, Giám đốc Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Vietnam Startup Foundation – đã chia sẻ trong một buổi tọa đàm về khởi nghiệp đã diễn ra gần đây.

Trước hết, Phạm Duy Hiếu là một cái tên từng gây xôn xao dư luận nhiều lần vì những sự “trẻ nhất”, sự “đi đầu”. Hồi năm 2012, Hiếu được bổ nhiệm vị trí CEO ABBank, trở thành vị Tổng Giám đốc Ngân hàng trẻ nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này, khi đó anh 34 tuổi.

Năm 2015, sau khi từ nhiệm, giữa làn sóng khởi nghiệp quốc gia đang lên cao, anh lập nên một Quỹ, nay là Startup Vietnam Foundatios (SVF) – Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Chính sau sự kiện SVF ra đời này đã thúc đẩy Bộ Khoa học Công Nghệ lập ra quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên của Chính phủ mang tên Vietnam Silicon Valley (VSV).

Hồi tưởng thời điểm là một sinh viên mới ra trường, anh Hiếu đã chia sẻ các nguyên tắc của mình khi đi tìm việc

Điều đầu tiên theo anh nhấn mạnh thì chắc chắn ‘lương cao’, hay ‘hợp với mình’ không phải là tiêu chí tốt: “Không hiểu do may mắn hay sao mà tớ có một cách lựa chọn công việc rất kỳ lạ. Các bạn sinh viên thời kỳ đó thường chọn ở đâu lương cao sẽ làm, ở đâu công việc phù hợp sẽ làm. Tớ không làm thế”.

Theo anh Phạm Duy Hiếu thì sẽ có 3 tiêu chí mà các bạn sinh viên nên nhớ khi mới đi kiếm việc làm: công việc cho mối quan hệ, công việc cho cơ hội học hỏi và công việc cho một mức lương vừa đủ sống.

“Còn tớ chọn công việc theo 3 tiêu chí:

- Tiêu chí đầu tiên là tớ chỉ chọn làm những công việc giúp mình mở rộng được mối quan hệ, không làm những công việc nào mà mình phải ở trong phòng, đóng kín cửa ngồi nghiên cứu báo cáo.

- Ưu tiên số 2 là tớ chỉ chọn những công việc mà tớ có cơ hội học hỏi và phát triển. Công việc không học hỏi được gì thì tớ không làm.

- Và tiêu chí thứ ba là công việc cung cấp một mức lương nào đó, chỉ cần đủ sống là được, không cần phải quá cao. Theo cách này, đã rất nhiều lần tớ chọn những công việc lương thấp trong những khi mình cũng được offer những công việc mức lương cao hơn”.

Trong 3 tiêu chí này, tiêu chí mở rộng mối quan hệ và cơ hội học hỏi được vị cựu CEO trẻ nhất ngành Ngân hàng coi trọng ở hàng bậc nhất.

Anh lập luận ở trong trường Đại Học, chúng ta phải trả chi phí cho việc học, còn khi đi làm nghĩa là vừa đi học, vừa được nhận lương, chẳng khác nào được nhận gấp đôi. Vì vậy, với các bạn trẻ đang mới đi tìm việc làm, hãy đừng ngại ngần mà chọn một công việc dù lương không cao nhưng lại tặng cho bạn cả biển tri thức.

Quan trọng nhất là phải chọn những công việc giúp bạn mở rộng được mối quan hệ, bởi lẽ theo vị Cựu CEO ABBank thì điều này sẽ đóng góp đến 80% sự thành công của bạn trong tương lai.

Với kinh nghiệm kinh qua nhiều vị trí quản lý, Giám đốc của nhiều công ty, anh Phạm Duy Hiếu tiết lộ bí quyết gây dựng các mối quan hệ của mình:

“Tớ có thói quen lưu quyển sổ namecard theo năm. Năm đầu, quyển số namecard của tớ toàn là nhân viên bán hàng, nhân viên giao dịch, nhân viên kế toán. Sau một vài năm thì thấy lác đác có Phó phòng, Trưởng phòng. Còn đến bây giờ, quyển sổ namecard toàn là Tổng giám đốc, Chủ tịch nhiều doanh nghiệp lớn”.

“Tớ thường nói với nhân viên của tớ là tớ không sợ thất nghiệp hay không có việc làm. Điều đó là bởi với những mối quan hệ trên, tớ dành được niềm tin từ họ, từ đó tớ có thể trở thành nhân viên của họ, có thể kinh doanh cùng với họ”.

“Về cách giữ tương tác, trong quyển số namecard, tớ lập ra một shortlist có khoảng chừng 20 người mà tớ tương tác rất thường xuyên, hết một năm lại review một lần. Đây là thứ tài sản vô giá của tớ ”.

Cần nhớ rằng, theo khoa học thì bạn sẽ là trung bình cộng của 5 người bạn tương tác thường xuyên nhất: Bạn ở cạnh những người ra quyết định giỏi thì cũng sẽ ra quyết định giỏi, ở cạnh những người nghĩ lớn thì sẽ biết nghĩ lớn, ở cạnh những triệu phú thì sẽ có thể sớm trở thành triệu phú.

“Vì thế, nếu các bạn chú tâm vào xây dựng mối quan hệ ngay từ đầu thì sau này các bạn sẽ phát hiện ra rằng mình đã có một thứ tài sản lớn hơn rất nhiều so với tiền lương”

Để minh chứng ví dụ cụ thể ngoài đời sống, anh Phạm Duy Hiếu đã lấy ngay trường hợp của mình. Sau thời điểm rời ABBank, anh đã phải tự tay gây dựng nên Quỹ SVF.

Điều đáng nói, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp lúc đó tại Việt Nam chưa xuất hiện, vẫn còn là mô hình rất mới nên sự khó khăn trong thủ tục còn rất nhiều. Tuy nhiên, với chìa khóa của sự nghiệp đã gây dựng cả chục năm trước, anh Hiếu đã giúp SVF đã ‘lớn nhanh như thồi’

“Mất 3 năm để xin thủ tục thành lập, nhưng SVF chỉ mất 1 năm để xây dựng thương hiệu, bởi vì bọn tớ có đủ 3 yếu tố quan hệ, giữ chữ tín và rất biết cách học hỏi các đối tác” – anh Hiếu kết luận.

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Mất ngủ vì ‘vàng đen’

Những ngày này nông dân đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu.

Tuy nhiên, bà con đang mất ăn mất ngủ vì sâu bệnh hoành hành, tiêu chết hàng loạt và giá tiêu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm qua.

Khoảng ba năm trước, giá tiêu luôn ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, có thời điểm cán mốc 250.000 đồng/kg. Do lời đậm nên nông dân tỉnh Gia Lai ào ạt mở rộng diện tích loại nông sản được ví là “vàng đen” này và diện tích quy hoạch hồ tiêu bị phá vỡ nặng nề.

Cụ thể, theo quy hoạch, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định con số này. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã lên đến 16.000 ha và nhiều khả năng con số thực tế còn lớn hơn.

Anh Huỳnh Xuân Vinh ở thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa có hơn 4 ha rẫy chủ yếu trồng cà phê nhưng nay đã thay thế bằng 5.000 trụ tiêu. Anh kể mấy năm trước thấy giá tiêu cao nên dần phá bỏ cà phê chuyển sang trồng tiêu. Đến khi tiêu phủ hết rẫy, anh lại phát rầu vì trong 5.000 trụ tiêu chỉ có 2.000 trụ cho thu hoạch, số còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết nhưng đã có hàng ngàn trụ bị bệnh chết.

“Năm vừa rồi gặp hạn hán, dịch bệnh, tiêu chết, giảm năng suất nên chỉ thu được ba tấn, theo giá thị trường thì được khoảng 300 triệu đồng (98.000 đồng/kg). Nếu không đầu tư mở rộng, với số tiền trên cũng có lãi đôi chút nhưng vì đã trót dồn mọi của cải vào rẫy tiêu nên giờ tôi cảm thấy rất lo lắng” - anh nông dân chia sẻ.

Tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, ông Đào Tiến Tình sở hữu 25 ha tiêu. Căn biệt thự to với đầy đủ tiện nghi, ô tô tiền tỉ cũng từ vườn tiêu này mà ra. Tuy nhiên, năm nay hơn 3.000 trụ tiêu nhà ông bị bệnh chết, giá cả giảm mạnh đã khiến ông mất ăn mất ngủ.

Ông Tình nói: “Trong 25 ha thì có đến 15 ha tiêu đang trong giai đoạn kiến thiết. Từ năm ngoái đến nay, do hạn hán dẫn đến mất mùa, mất giá nên số tiêu cho thu hoạch không đáng kể. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết bám trụ với cây tiêu”.

Theo ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, những năm trước giá hồ tiêu liên tục tăng cao, vì vậy nông dân thâm canh quá mức. Đơn cử như sử dụng phân bón, chất kích thích không cân đối… khiến cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại và chết. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn giống trôi nổi, không được chọn lọc cũng là một tác nhân chính khiến tiêu chết hàng loạt.

Theo Quỳnh Loan

PLO

Đọc tiếp »

TS Trần Đình Thiên: Việt Nam dựa quá lâu vào các ngành cổ điển

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách "cổ điển", mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng.

Cần khoảng 148 tỉ USD cho phát triển nguồn và lưới điện

Theo Quy hoạch năng lượng quốc gia được Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương) công bố, dự báo nhu cầu năng lượng cuối cùng theo nhiên liệu, tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam năm 2020 khoảng 71,337 KTOE, tăng lên 137,834 KTOE vào năm 2035.

Tổng công suất đặt các nhà máy điện trong hệ thống sẽ đạt mức 103,7 GW (2025); 133,1GW (2030); 168,5GW (2035). Điện năng sản xuất trong kịch bản cơ sở sẽ tăng tương ứng 338 TWh; 551 TWh; 741,6 TWh vào các năm 2025; 2030; 2035.

Phát biểu tại "Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2017: Hiện tại và tương lai" vừa qua, ông Phan Thế Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng cho biết với mức dự báo giá nhiên liệu cập nhật, các nguồn tài nguyên khí, than, dầu thô sẽ được huy động hết, thiếu hụt sẽ được bù đắp bởi than và khí LNG nhập khẩu.

Các dự án chính dầu khí đều được thực hiện, đặc biệt là các dự án lọc dầu, các dự án đều vào trong giai đoạn quy hoạch trừ Dự án Nhơn Hội lùi lại đến 2029.

Các dự án theo Tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh đến 2030, giai đoạn từ 2031 trở đi phần điện hạt nhân sẽ được bù đắp bởi than, LNG nhập và điện gió...

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2030 sẽ vào khoảng 148 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 2016- 2020 là khoảng 40 tỉ USD. Giai đoạn 2021-2030 là khoảng 108 tỉ USD.

Phải thay đổi cách tiếp cận chiến lược năng lượng

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách “cổ điển”, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng. Đơn cử như ngành nông nghiệp được xem là ngành tiêu tốn ít năng lượng nhưng thực tế không phải vậy.

Việt Nam đang duy trì, phát triển nền nông nghiệp chạy theo sản lượng. Ông Thiên dẫn chứng mỗi tấn gạo chất lượng cao có thể bán giá bằng 10 tấn gạo chất lượng thấp. Nhưng để sản xuất ra 10 tấn lúa gạo chất lượng thấp đó, Việt Nam phải tiêu tốn nhiều hơn các loại nguyên liệu đầu vào như diện tích đất trồng, nước, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bơm nước, xay xát, chuyên chở...

Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tiêu tốn tài nguyên, tiêu tốn năng lượng ô nhiễm môi trường... Hiện lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng của nước ta ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%...

Ông Thiên cũng cho rằng, Việt Nam không thể cạnh tranh với chi phí năng lượng quá cao do sự lãng phí từ phía sử dụng. Do đó, ông đề xuất phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung điện, thì việc tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là bắt buộc chứ không chỉ là "cần lựa chọn".

"Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí... Điểm mấu chốt để giải quyết chiến lược là Bộ Công Thương cần đặt Chiến lược Phát triển nhiệt điện than trong tổng thế chiến lược cơ cấu ngành để giải quyết. Nếu còn tách rời khả năng giải quyết một cách thuyết phục sẽ khó khăn", PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay.

Để hướng tới thị trường năng lượng minh bạch, đầy đủ, việc tính đến yếu tố giá tiêu thụ năng lượng như thế nào cũng là bài toán gây nhiều trăn trở. Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho rằng cần phân định nhiệm vụ công ích với chiến lược phát triển để có chiến lược phù hợp hơn...

"Trong chiến lược phát triển năng lượng song song với việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, khai thác tiềm năng của đất nước gió, mặt trời thì chiến lược phát triển năng lượng truyền thống cũng rất quan trọng", ông Hải nhận định.

Góp mặt tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chiến lược năng lượng cần phải đặt trong chiến lược về công nghệ thì mới giải quyết được sự căng thẳng trong cung - cầu năng lượng. Cùng với đó là ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao thay vì các ngành "cổ điển" tiêu tốn tài nguyên và năng lượng; hướng tới hệ thống năng lượng sạch và an toàn với trục chính là các nguồn năng lượng tái tạo.

Hiện nay, quá trình phát triển năng lượng của Việt Nam được nhận đình còn những hạn chế, xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư. Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp, sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả. Phát triển năng lượng chưa thực sự gắn kết với giữ gìn môi trường sinh thái nhằm bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

Theo Tuyết Nhung

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Tin không vui với các nước có lợi thế nhân công giá rẻ: Robot đã lần đầu may trọn vẹn được một chiếc áo mà không cần con người giúp đỡ

Viễn cảnh robot có thể thay thế hoàn toàn con người đã xảy ra trong ngành may mặc, ngành mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu nhờ nguồn nhân công dồi dào

Ở lĩnh vực may mặc, sự tự động hóa trong nhiều khâu làm việc đã được áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc nếu có một robot có thể may trọn vẹn một chiếc áo thì có lẽ, đó vẫn có thể coi là một thành tựu khoa học cũng như là một dấu mốc "đáng sợ" cho những con người thật đang làm trong công nghiệp này.

Và điều đó đã thực sự xảy ra. Mới đây, trang tin Technology Review đã giới thiệu về Sewbo - một startup chỉ có vỏn vẹn đúng ‘một nhân viên duy nhất’: một con robot. Ở đây, anh Jonathan Zornow với ứng dụng công nghệ robot của mình đã có thể may hoàn chỉnh một chiếc áo bằng máy may công nghiệp mà không có bất cứ sự can thiệp nào của con người.

Cụ thể, để giúp robot hoàn thành quá trình may tự động, anh Zornow đã tìm ra cách thức giúp làm cứng vải may để hình dáng sản phẩm được định hình trong quá trình đưa vào máy may công nghiệp dưới sự vận hành của cánh tay robot.

Đối với các nhà sản xuất trong lĩnh vực may mặc, giờ đây họ đã có thể sử dụng công nghệ này để thiết kế và từ đó sản xuất hàng loạt với một mẫu quần áo mới chỉ trong đúng một ngày. So về yếu tố nhân công và thời gian bỏ ra thì rõ ràng công nghệ mới có một lợi thế vượt trội so với cách làm truyền thống.

Trước khi lập Sewbo, anh Zornow đã từng là một nhà phát triển web. Anh đảm nhiệm một số công việc có liên quan tới các dự án kỹ thuật in 3D được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt may. Trong quá trình làm việc này, việc tìm ra miếng vải cứng hơn đã được giải quyết: khi nhúng vải vào dung dịch polymer, miếng vải sẽ cứng hơn và giúp robot có thể ‘cầm’ lên một cách dễ dàng.

Zornow đã cải tiến để các cánh tay robot cũng sẽ được ‘huấn luyện’ để lặp lại liên tục một động tác và người dùng chỉ cần gỡ cánh tay robot này ra để hướng dẫn nó một chuỗi các động tác mới khi cần. Trong thí nghiệm của mình, anh Zornow cũng đã chỉ thực hiện quá trình may một chiếc áo phông, tuy nhiên robot này hoàn toàn có thể được đào tạo để may các sản phẩm khác.

Sau đó, anh đã sử dụng một thiết bị hàn siêu âm để gắn các mảnh vải với nhau trước khi đưa vào máy may để khâu chúng lại. Một sản phẩm may mặc sau khi hoàn thành sẽ được nhúng vào nước loại bỏ chất polymer đã được tẩm nhằm làm cứng sợi vải.

Để hoạt động chỉn chu, công nghệ may tự động này cần một máy may công nghiệp phù hợp, và một cánh tay robot do hãng Universal Robots sản xuất, Tổng trị giá đầu tư ban đầu sẽ vào khoảng 35.000 USD.

Nếu ai sử dụng chiếc máy, chủ nhân của chiếc cũng cảnh báo rằng dù chất polymer làm cứng vải có thể sử dụng lại được, việc quá lạm dụng vào nước và hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến con người. Đồng thời, việc dùng lại có thể tốn thêm thời gian di chuyển cho quá trình sản xuất.

Việc một robot có thể tự may một chiếc áo mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào từ con người này thực sự là nỗi lo với ngành công nghiệp may mặc, với hàng chục triệu lao động trên thế giới.

Đặc biệt, các quốc gia có may mặc là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhờ vào lợi thế nhân công giá rẻ có lẽ sẽ phải đứng ngồi không yên nhất, Các quốc gia đó có Myanmar, Lào và cả Việt Nam.

Robot tự may một chiếc áo

-

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Đối phó với ô tô ASEAN giá rẻ tràn vào: Chính phủ cho thành lập tổ công tác liên bộ ngành, muộn nhất 1/5 có kế hoạch

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã tiết lộ về việc thành lập một tổ công tác liên bộ ngành gồm đại diện từ các Bộ. Tổ công tác này sẽ cân bằng lợi ích cho cả phía người mua ô tô và người sản xuất ô tô trong nước

Hôm ngày 3/4, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã diễn ra. Trong buổi họp báo này, các câu hỏi về các chính sách của Chính phủ đối với thị trường ô tô trong thời gian sắp tới đã được đề cập đến

Theo đó, câu hỏi của phỏng viên đặt ra ở bối cảnh trong 10 tháng tới, dòng xe giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ là rất lớn. Điều này sẽ gây tổn hại lớn đến ngành sản xuất ô tô trong nước cũng như đến cơ hở hạ tầng hiện vẫn còn chưa hoàn thiện tại Việt Nam. Vậy, Chính phủ sẽ có những chính sách gì?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa phân trần rằng tuy đến tận ngày 1/1 sang năm, lộ trình về giảm thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN mới giảm mức thuế này về 0%, tuy nhiên, cho tới cuối năm ngoái, mức thuế đã được giảm từ 40% về 30%.

Bộ trưởng cũng đồng thời đưa ra một con số đáng bàn nữa là cho đến hết ngày 15/3/2017, tức là cho đến hết quý I vừa qua, số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy số liệu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đã tăng 44,5%.

"Khi giá thành rẻ thì người tiêu dùng, trong đó có chúng ta ở đây, thì chắc chắn cũng sẽ rất vui mừng. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước chắc chắn cũng sẽ gặp khó khăn" - Bộ trưởng nói.

Để giải quyết vấn đề hòa hợp lợi ích này, Thủ tướng chính phủ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo một loạt các đại diện từ Bộ như Bộ Công Thương và các Bộ liên quan như Bộ tài chính, Bộ Công nghệ...thành lập ra một tổ công tác liên bộ ngành.

Tổ công tác liên bộ ngành này sẽ có đến, gặp gỡ và tim hiểu các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô hiện đang hoạt động trong nước.

Từ đó, trong điều kiện cho phép và đảm bảo phù hợp với quy định của WHO, WTO và các hiệp định thương mại có sự tham gia của Việt Nam, Tổ công tác liên ngành này sẽ vừa có nhiệm vụ duy trì, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong ngành ô tô, vừa có nhiệm vụ đảm bảo các quy định miễn thuế nhập khẩu được thực hiện đúng, qua lợi ích của chính người tiêu dùng ô tô được đảm bảo.

Như vậy, theo lời của vị Bộ trưởng, các chính sách trong thời gian tới của Chính phủ sẽ không hướng tới nghiêng hẳn về bên nào trong 2 phía doanh nghiệp sản xuất ô tô và người mua ô tô. Mục tiêu của bài toán chính sách là làm sao phải hòa hợp được lợi ích của 2 bên này.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tổ công tác liên bộ ngành đang thực hiện các công việc rất khẩn trương. Dự kiến, cho đến trước ngày 1/5/2017, tổ công tác sẽ có báo cáo chính thức trình Thủ tướng Chính phủ.

Vượng Lê

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Từ hôm nay, mọi kiến nghị, bức xúc của người dân đều có thể chuyển trực tiếp đến Chính phủ chỉ bằng cú click chuột

Tất cả kiến nghị, phản ánh, bức xúc của người dân đều có thể được chuyển đến website: nguoidan.chinhphu.vn.

Trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 03/2017, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết từ bây giờ, người dân có thể trực tiếp gửi kiến nghị đến Chính phủ. Trước đó, từ 1/10/2016, Website tiếp nhận ý kiến chính phủ, giải quyết các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp do tại /doanhnghiep.chinhphu.vn. Theo nhận xét của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, website này đã nhận được sự hài lòng của doanh nghiệp trong việc tạo sự cởi mở.

Ý tưởng này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo lập tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam ngày 6/8/2016, của Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tới Chính phủ.

Qua trang web này, các kiến nghị của doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc của DN, đặc biệt các cơ chế chính sách, các giao dịch, các chi phí trực tiếp… sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời. VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp với danh nghĩa Chính phủ trả lời cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết phát huy kết quả đạt được, từ ngày mai Chính phủ mở trang website Chính phủ với người dân. Tất cả kiến nghị, phản ánh, bức xúc của người dân đều có thể được chuyển đến website: nguoidan.chinhphu.vn. Từ đó Văn phòng chính phủ và tổ công chức phân loại để yêu cầu bộ ngành địa phương giải quyết các kiến nghị của người dân. Bộ trưởng cho biết trang web này hy vọng sẽ tạo sự liên kết, nắm bắt bức xúc, kiến nghị của người dân. Trong quá trình thực thi chính sách pháp luật, những phản ánh của người dân sẽ được điều chỉnh kịp thời.

Bộ trưởng hy vọng 2 trang website này sẽ nhận được sự ủng hộ, tiếp cận thông tin, công khai minh bạch. Bên cạnh đó nội dung trả lời sẽ được doanh nghiệp đánh giá theo tiêu chí đạt tốt hay không tốt. Bộ trưởng cho biết sự hài lòng này chính là phản ánh sự hài lòng về Chính phủ kiến tạo.

Trang web giữa Chính phủ và người dân sẽ Bộ trưởng chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trực tiếp điều hành. Những nội dung mà người dân có thể phản ánh thông qua trang web này như:

- Phản ánh về cơ chế chính sách phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu.

- Hành vi của cán bộ công chức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

- Đề xuất sáng kiến cải cách trong phục vụ công chức.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ/VPCP

Đọc tiếp »

Đây là lý do khiến việc tăng trưởng GDP quý I thấp nhất 3 năm không đáng lo ngại

Việc tăng trưởng GDP quý I/2017 thấp nhất 3 năm gần đây là do chủ động cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô. Chính phủ vẫn kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra và quan tâm đến tính bền vững của tăng trưởng.

Trong cuộc Họp báo chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều nay, Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư đã giải thích việc tăng trưởng GDP Quý I không cao nhưng xét về bản chất tăng trưởng là hợp lý. Theo đó, tăng trưởng GDP Quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây là do sự chủ động giảm khai thác dầu thô của Chính phủ.

Cụ thể, nếu sản lượng khai thác bằng mức năm ngoái thì tăng trưởng quý I sẽ đạt 5,95% - cao hơn năm quý I năm 2016. Do chủ động giảm khai thác dầu khí từ mức 15 triệu tấn về 12,8 triệu tấn nên tăng trưởng quý I có sự chậm lại. Chỉ đạo của Thủ tướng là phải tăng trưởng bền vững, nên ngành khai khoáng giảm 9% sản lượng so với năm trước.

Bên cạnh đó, CPI quý I có bước tăng mạnh cũng là sự chủ động của Chính phủ khi thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục vào tháng 3.

“Như vậy, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối lớn được bảo đảm và có sự kiểm soát” – đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết.

Điểm sáng trong quý I là niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao, FDI cũng đạt mức kỷ lục. Theo đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, độ trễ của 2 yếu tố này sẽ giúp kinh tế tăng trưởng cao hơn trong các quý tiếp theo.

Chính phủ kiên quyết thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 mà Quốc hội đề ra. Những giải pháp trong thời gian tới được đề ra là tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thực hiện nghiêm nghị quyết 35 và 19, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư (quý I chỉ đạt 12,2%).

Theo Vương Diệu Quân

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »