Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Con số chứng minh nguoidan.chinhphu.vn sẽ là chiếc cầu nối tốt : 1000 ý kiến được gửi về chỉ sau 1 ngày hoạt động

Tiến sỹ Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Chính phủ - trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội đã cập nhật một số thông tin mới nhất về trang lấy ý kiến mới được Chính phủ cho đi vào hoạt động là chinhphu.nguoidan.vn

Hôm ngày 4/4, buổi hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng - Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam" tổ chức bởi diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) đã được diễn ra tại Hà Nội.

Trong cuộc hội thảo này, Tiến sỹ Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Chính phủ đã có bài phát biểu đề cập lại các nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra về cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam trên tinh thần Nghị quyết số 19.

Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, vị Cục trưởng đã cập nhật một số thông tin mới nhất về trang lấy ý kiến người dân nguoidan.chinhphu.vn đã vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo đi vào hoạt động hôm ngày 3/4 vừa qua.

Theo vị Cục trưởng, trang lấy ý kiến người dân này ra đời đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ kiến tạo trong việc cố gắng “lắng nghe toàn bộ vướng mắc của người dân trong thực hiện cơ chế, chính sách, hay tiếp nhận phản ánh của người dân về các hành vi của cán bộ công chức như chậm trễ không làm việc hay thái độ tiếp dân không tốt”.

Tiến sỹ Ngô Hải Phan còn tiết lộ thời điểm trang website được công bố và đi vào hoạt động là 7 giờ tối hôm buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra. Ngay sau lúc đó, đã có tới 500 ý kiến được gửi về cho Chính phủ từ trang nguoidan.chinhphu.vn này.

Hết một ngày đầu tiên đi vào hoạt động, trang website nguoidan.chinhphu.vn đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 1000 ý kiến phản ánh được gửi về.

1000 ý kiến trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động - con số ấn tượng này khiến chúng ta có quyền tin tưởng rằng trang nguoidan.chinhphu.vn sẽ trở thành một cầu nối tốt giữa Chính phủ và người dân trong tương lai.

Tuy nhiên, khi số lượng ý kiến được gửi về quá nhiều thì việc làm sao để xử lý khối thông tin khổng lồ một cách hiệu quả sẽ là một điều đáng bàn.

Chia sẻ về ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tương - Phó tổng thư ký hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – đã bày tỏ sự hoan nghênh với sáng kiến của Thủ tướng trong việc mở thêm kênh thông tin lấy ý kiến từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vị Phó tổng thư ký cũng bày tỏ sự nghi ngại

“Cổng thông tin nếu nhận được rất nhiều thông tin thì việc xử lý thông tin là vấn đề quan trọng. Cần phải có một bộ phần xử lý thông tin giúp Chính phủ. Thông tin nào tốt thì mình làm, chưa tốt thì chưa làm vội” – ông Nguyễn Tương nói.

Đồng thời, theo quan điểm của ông, các doanh nghiệp khi có kiến nghị thắc mắc cũng nên đưa ra cả những đề nghị giải quyết vấn đề, nêu thêm cả kinh nghiệm nước ngoài để giúp Chính phủ có thêm thông tin tham khảo để giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp thắc mắc.

“Cái khó nhất là tiếp thu xong rồi cần giải quyết và phản hồi lại cho doanh nghiệp. Đây là điều mà các hệ thống lấy ý kiến trước đây còn thiếu sót” - vị Phó tổng thư ký hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói.

Vũ Hán

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

NCIF dự báo: Kinh tế Việt Nam quý II tăng trưởng 5,6%, cả năm đạt 6,2% thấp hơn mục tiêu đề ra

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), quý II/2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6%, cả năm đạt 6,2%, thấp hơn mục tiêu 6,7% được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ tại tọa đàm Dự báo kinh tế Quý II/2017 do Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức sáng 5/4, TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo cho biết, dựa vào mức tăng trưởng 5,1% quý I và các nền tảng kinh tế Việt Nam, NCIF đưa ra mức sự báo tăng trưởng GDP 5,6% cho quý II và 6,2% cho cả năm 2017, tương đương với năm 2016.

Cơ sở cho dự báo này là do trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng quý II thường hơn quý I từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục, theo đà phục hồi kinh tế thế giới. Cụ thể, niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định hơn, 51,2% doanh nghiệp Việt Nam tin rằng quý II sẽ có đơn hàng cao hơn quý I.

TS Đặng Đức Anh cho rằng, đầu tư khu vực tư nhân và FDI cũng sẽ khởi sắc trong quý II này. Công nghiệp chế biến chế tạo dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn trong Quý I. Tuy nhiên vị chuyên gia cũng lưu ý, nhìn lại kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công.

Đưa ra con số nhập siêu 1,9 tỷ USD quý I, ông Đặng Đức Anh biết việc nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu sản xuất càng củng cố việc nền kinh tế phát triển thiếu bền vững với việc gia công là chủ yếu.

"Đây là sự yếu kém của nền kinh tế khi vẫn phải nhập nhiều nguyên phụ liệu, chứng tỏ công nghiệp phụ trợ rất kém", ông nói.

Ở góc độ lạc quan hơn,TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng đây có thể là nền tảng phục vụ cho sản xuất của các quý tới, kéo theo sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam khả quan trong thời gian tới.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra dự báo lạc quan hơn NCIF với mức tăng trưởng cả năm rơi vào khoảng 6,3% - 6,5%, phần nhiều nghiêng về khả năng tăng trưởng GDP đạt 6,3%.

“Mức tăng trưởng này cũng là mức chung của nhiều tổ chức kinh tế thế giới khi dự báo về tăng trưởng của Việt Nam”, ông Cấn Văn Lực cho biết.

Theo N.D

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Big C hỗ trợ tiêu thụ 400 tấn dưa hấu cho nông dân Quảng Ngãi

Hệ thống bán lẻ dưới tay người Thái cam kết giúp nông dân Việt Nam tiêu thụ dưa hấu trong các siêu thị Big C và hỗ trợ chi phí vận chuyển, kho vận.

Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã trở nên quá quen thuộc với nông dân Việt Nam.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, năm nay toàn tỉnh có khoảng 700 hecta dưa hấu với tổng sản lượng khoảng 24.000 tấn. Dù mới đầu mùa nhưng hàng trăm hecta dưa hấu của nông dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Mộ Đức, Đức Phổ...đã không tìm được người mua, phải bỏ hoang ngoài đồng hoặc sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò ăn thay cỏ. Nếu tình cảnh này kéo dài, hàng trăm hộ nông dân ở Quảng Ngãi sẽ lâm vào cảnh trắng tay, vỡ nợ.

Nhằm tháo gỡ vướng mắt cho nông dân, từ ngày 4/4, các cán bộ nhân viên Big C Việt Nam trực tiếp “xuống đồng” triển khai chương trình “Big C Việt Nam chung tay vì dưa hấu Quảng Ngãi”.

Theo đó, trong tuần đầu tiên, Big C Việt Nam dự kiến sẽ thu mua hơn 400 tấn dưa hấu và phân phối trên toàn hệ thống siêu thị với giá đồng nhất 4,800 đồng/kg.

Big C Việt Nam cũng hỗ trợ chi phí vận chuyển, hậu cần, kho vận, không thu lãi trên giá bán đồng thời cam kết tổ chức các hình thức tuyên truyền trực quan, phát loa kêu gọi khách hàng mua sắm tại siêu thị chung tay hỗ trợ nông dân Quảng Ngãi.

Dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, các sản phẩm thu mua đều đảm bảo những tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần giúp nông dân mau chóng vượt qua khó khăn và ổn định lại cuộc sống.

Đức Thọ

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Android đã chấm dứt kỷ nguyên thống trị Internet của Windows

Hệ điều hành di động của Google đứng đầu thị phần sử dụng Internet trên toàn thế giới trong tháng Ba với 37,93%, theo báo cáo của công ty phân tích web StatCounter, bao gồm dữ liệu trên máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và di động.

Trong khi đó, các thiết bị chạy Windows chiếm 37,91% lượng truy cập Internet vào tháng trước, khiến nó bị tụt lại phía sau Android.

Đây là một dấu mốc quan trọng to lớn, cho thấy một sự thay đổi thói quen sử dụng thiết bị truy cập Internet kể từ sự nổi lên của điện thoại thông minh.

Theo StatCounter, tỷ lệ sử dụng Internet toàn cầu của Windows là 82% vào tháng 1/2012, so với 2,2% đối với Android.

Aodhan Cullen, CEO của StatCounter nói: "Đây là cột mốc quan trọng trong lịch sử công nghệ và sự kết thúc của một thời đại."

"Nó đánh dấu sự chấm dứt sự dẫn đầu của Microsoft trên toàn thế giới về thị trường hệ điều hành mà hãng này đã nắm giữ từ những năm 1980. Nó cũng đại diện cho một bước đột phá lớn cho Android, vốn chỉ chiếm 2,4% thị phần Internet toàn cầu chỉ cách đây 5 năm. "

Tháng trước, ông Cullen mô tả ý tưởng Android bắt kịp Windows như một cái gì đó "không thể tưởng tượng được cách đây năm năm."

Windows vẫn là đầu bảng xếp hạng về sử dụng Internet ở châu Âu, với 51,7% thị phần, và Bắc Mỹ, với 39,5% thị phần. Ở hai khu vực này, thiết bị Android chiếm 23,6% và 21,2%.

Tuy nhiên, ở châu Á, Android lại chiếm tới 52,2% so với 29,2% của Windows, theo báo cáo của StatCounter.

Theo Việt Đức

Vietnam+

Đọc tiếp »

Thứ trưởng Bộ GTVT: "Chúng tôi không cho phép tăng người rồi tính chi phí đấy vào giá vé!"

“Cơ quan nhà nước không bao giờ đặt lợi ích cho một hãng hàng không nào cả, không có lợi ích nào ngoài lợi ích của người dân. Chức năng của cơ quan Nhà nước là thế. Bản thân chính chúng tôi cũng là người dân”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết tại buổi họp báo chiều ngày 5/4.

Chiều 5/4, phòng họp của Bộ GTVT lại tiếp tục nóng lên với câu chuyện áp giá sàn vé máy bay. Câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trong phiên họp Chính phủ cách đây 2 hôm (3/4) dường như vẫn chưa làm dư luận thoả mãn.

“Có phải Bộ GTVT chỉ cần tập trung lợi nhuận cho 2 hãng hàng không hay không?”, một nhà báo đặt câu hỏi.

“Tôi khẳng định, đối với cơ quan quản lý nhà nước, không bao giờ có chuyện đặt lợi ích cho 1 hãng hàng không nào cả, không có lợi ích nào ngoài lợi ích của người dân. Chức năng của cơ quan nhà nước là thế. Bản thân chính chúng tôi cũng là người dân!”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng điều quan trọng là phải đưa ra được một cơ chế phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh nhưng đồng thời đáp ứng được hoạt động của các hãng hàng không. Lợi nhuận thu được phải là do chính chất lượng dịch vụ chứ không phải là vấn đề nâng giá vé.

“Yêu cầu của Chính phủ vẫn là chất lượng tốt, giá thành giảm nhưng vẫn phải đảm bảo lợi nhuận cao. Cái đấy phải giảm chi phí đầu vào, đấy là việc của các hãng”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Ông Trường cũng cho biết Bộ GTVT đang thực hiện tinh giản biên chế ở các hãng hàng không cũng như các cơ quan liên quan.

“Chi phí tiền lương rất lớn, nếu giảm được khoản này, vé có thể được giảm. Chúng tôi không cho phép tăng người rồi tính chi phí đấy vào giá vé”, Thứ trưởng cho hay.

Trên thực tế, kể cả Vietnam Airlines cũng có vé giá 0 đồng. Đây cũng là hình thức khuyến mại thông thường của các nước.

“Các nước đều có, kể cả vào mùa lễ hội chứ không chỉ ở mùa thấp điểm”, Thứ trưởng cho biết.

Ông Trường một lần nữa khẳng định cơ quan nhà nước sẽ không bảo hộ cho bất cứ hãng hàng không nào. Vietnam Airlines là CTCP có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản, mà “người ta cần minh bạch”. Do đó, với đề xuất của các hãng, Bộ sẽ sớm có câu trả lời thoả đáng.

Đại diện cho Cục Hàng không, đơn vị được Bộ GTVT giao nghiên cứu đề xuất giá trần – sàn, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết: Hiện tại, Cục chỉ đang “lắng nghe, nghiên cứu mà chưa có bất cứ đề xuất gì liên quan đến vấn đề này”.

Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh cũng cho biết quy định về giá sàn không phải là vấn đề mới: "Năm 2006, chúng ta đưa quy định về khung giá vào Luật hàng không dân dụng. Năm 2014, khi sửa đổi Luật hàng không dân dụng, Quốc hội đã bàn thảo rất kỹ và vẫn quyết định vẫn phải có khung giá.

Điều này có nghĩa là Luật hàng không vẫn cho phép sử dụng giá trần, giá sàn. Không phải tự do cạnh tranh là không có công cụ điều tiết nào cả. Ngay cả trong hiệp định hợp tác hàng không dân dụng, chúng ta vẫn cam kết tự do nhưng mà Nhà nước vẫn cần có các công cụ quản lý hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh".

Theo Đức Minh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Sắp triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng nông nghiệp công nghệ cao

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, các ngân hàng thương mại đã đăng ký số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp.

Để triển khai gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Quyết định hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường trong tháng 4/2017.

Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng quy định, khách hàng có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề về tài sản bảo đảm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới,.. để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ngoài ra, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài vì vậy cần phải có định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao, đánh giá và dự báo về thị trường mục tiêu để việc đầu tư tín dụng hiệu quả.

Theo Thúy Hà

Vietnam+

Đọc tiếp »

Yêu cầu kiểm soát chặt thịt nhập khẩu sau bê bối “thịt bẩn Brazil”

Bộ Tài chính vừa có công văn hỏa tốc số 4451/BTC-TCHQ yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra thực tế toàn bộ lô thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm có xuất xứ từ Brazil đã về đến cửa khẩu trước ngày 23/3. Trong quá trình kiểm tra thực tế, lãnh đạo ngành tài chính lưu ý đến thành phần, hạn sử dụng, nhãn hiệu, điều kiện bảo quản, an toàn thực phẩm,… của hàng hóa nhập khẩu.

Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm được yêu cầu phải thực hiện lưu giữ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu từ ngày 10/4, người khai hải quan phải nộp bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ do nước xuất khẩu cấp khi làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu. Trường hợp mua bán qua bên thứ ba, các đơn vị cũng phải thể hiện rõ tên nhà sản xuất trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm kể từ ngày 23/3.

Liên quan tới vụ việc này, ngày 17/3, Cảnh sát liên bang Brazil đã ra thông báo mở cuộc điều tra vụ bê bối lớn trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này.

Các chứng cứ đã cáo buộc nhiều công ty trong đó có cả công ty JBS và BRF, là hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil đã hối lộ các nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn. Nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh và để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại axít không được phép dùng trong thực phẩm. Các sản phẩm nhiễm bẩn này đã được phân phối trên thị trường nội địa thông qua các chuỗi siêu thị.

Ngày 20/3, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đã gửi thông tin liên quan đến các sản phẩm thịt bò không an toàn tại Brazil đồng thời khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Xuân Dũng

vietnam+

Đọc tiếp »