Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Yêu cầu kiểm soát chặt thịt nhập khẩu sau bê bối “thịt bẩn Brazil”

Bộ Tài chính vừa có công văn hỏa tốc số 4451/BTC-TCHQ yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra thực tế toàn bộ lô thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm có xuất xứ từ Brazil đã về đến cửa khẩu trước ngày 23/3. Trong quá trình kiểm tra thực tế, lãnh đạo ngành tài chính lưu ý đến thành phần, hạn sử dụng, nhãn hiệu, điều kiện bảo quản, an toàn thực phẩm,… của hàng hóa nhập khẩu.

Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm được yêu cầu phải thực hiện lưu giữ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu từ ngày 10/4, người khai hải quan phải nộp bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ do nước xuất khẩu cấp khi làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu. Trường hợp mua bán qua bên thứ ba, các đơn vị cũng phải thể hiện rõ tên nhà sản xuất trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm kể từ ngày 23/3.

Liên quan tới vụ việc này, ngày 17/3, Cảnh sát liên bang Brazil đã ra thông báo mở cuộc điều tra vụ bê bối lớn trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này.

Các chứng cứ đã cáo buộc nhiều công ty trong đó có cả công ty JBS và BRF, là hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil đã hối lộ các nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn. Nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh và để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại axít không được phép dùng trong thực phẩm. Các sản phẩm nhiễm bẩn này đã được phân phối trên thị trường nội địa thông qua các chuỗi siêu thị.

Ngày 20/3, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đã gửi thông tin liên quan đến các sản phẩm thịt bò không an toàn tại Brazil đồng thời khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Xuân Dũng

vietnam+

Đọc tiếp »

Sắc lệnh năng lượng của ông Donald Trump thiếu sức thuyết phục

Khi ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định liên quan đến biến đổi khí hậu từ người tiền nhiệm Barack Obama hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố văn kiện này sẽ chấm dứt "cuộc chiến với than đá" tại Mỹ, mở ra kỷ nguyên mới về sản xuất năng lượng và mang việc làm trở lại cho các thợ mỏ.

Tuy nhiên, các công ty điện lực - vốn là khách hàng lớn nhất của ngành khai thác than đá của Mỹ - lại tỏ ra không mấy mặn mà với kế hoạch này.

Hãng tin Reuters đã tiến hành khảo sát 32 công ty điện lực. Đây là các công ty hoạt động tại 26 bang từng đệ đơn kiện yêu cầu cựu Tổng thống Obama hủy bỏ Kế hoạch Năng lượng sạch (CPP), mục tiêu chính trong sắc lệnh của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đa số các công ty này cho biết họ không có kế hoạch thay đổi kế hoạch dài hạn về cắt giảm sử dụng than đá đã triển khai trong nhiều năm qua.

Cụ thể, trong số 32 công ty được phỏng vấn, 10 công ty nhận định sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của họ, 5 công ty cho biết đang đánh giá các tác động của sắc lệnh mới, 6 nơi không đưa ra bình luận, và chỉ có 1 công ty cho biết sẽ gia hạn hoạt động của một số nhà máy sử dụng nhiên liệu than đá.

Các công ty này đưa ra nhiều lý do, chủ yếu về mặt kinh tế. Theo họ, khí đốt tự nhiên - "đối thủ" cạnh tranh lớn nhất của than đá - đang có nguồn cung phong phú và giá thành ngày càng rẻ hơn, chi phí năng lượng gió và Mặt Trời cũng đang giảm, các quy định về môi trường của các bang vẫn chưa thay đổi, trong khi sắc lệnh của Tổng thống Trump có khả năng không thể vượt qua các rào cản pháp lý để đưa vào áp dụng.

Nhiều công ty tham gia cuộc khảo sát của Reuters cho biết họ đã và đang tập trung giảm khí thải carbon trong suốt thập kỷ qua và không muốn thay đổi hướng đi này chỉ do có sự biến động đường hướng chính sách tại Washington.

Theo ông Tom Gauntt, người phát ngôn của công ty điện lực Pacificorp, kế hoạch phát triển của các công ty điện lực thường đặt ra tầm nhìn dài hạn hơn so với các nhiệm kỳ tổng thống.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn chủ trương ủng hộ chống biến đổi khí hậu, đơn cử như Quỹ Thịnh vượng Na Uy, đang tạo áp lực lên các công ty điện lực mà họ nắm cổ phần để thúc đẩy việc cắt giảm sử dụng than đá.

Trong năm ngoái, Quỹ Thịnh vượng Na Uy đã ngừng đầu tư vào hàng chục công ty điện lực, bao gồm những cái tên lớn như Xcel, American Electric Power Co Inc và NRG Energy Inc, vì chính sách ủng hộ than đá của những công ty này. Quỹ này cũng cho biết 8 cái tên khác đang nằm trong danh sách "quan sát."

CPP là một nỗ lực quan trọng của cựu Tổng thống Obama trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo kế hoạch này, vào năm 2030, tất cả các bang của nước Mỹ sẽ phải cắt giảm mức khí thải carbon của các nhà máy phát điện đang hoạt động xuống mức thấp hơn 30% so với mức khí thải của năm 2005.

Than đá là nguồn nhiên liệu chính của các nhà máy phát điện trong thế kỷ 20, tuy nhiên hoạt động sử dụng nguồn nhiên liệu này đã giảm hơn 30% từ năm 2008, đặc biệt sau khi ngành khí đốt tự nhiên đạt nhiều cải tiến trong hoạt động khai thác. Hàng trăm nhà máy phát điện dùng than đá trên khắp nước Mỹ đã phải ngừng hoạt động hoặc cải tiến để bắt kịp xu hướng mới.

Theo PV

Vietnam+

Đọc tiếp »

Ánh sáng cho năng lượng ở châu Phi

Một mô hình chung tay giữa các dự án riêng biệt hỗ trợ năng lượng mới đang được xem là lối thoát cho vấn đề này tại châu Phi - nơi có 1,5 tỷ dân sinh sống.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), gần 1,1 tỷ người trên toàn cầu vẫn chưa được tiếp cận với nguồn điện. Hầu hết số này là người sinh sống ở châu Phi và châu Á. Thêm vào đó, 2,9 tỷ người đang dựa vào năng lượng truyền thống như gỗ và sinh khối để nấu nướng, sưởi ấm, tạo ra ô nhiễm không khí, dẫn tới 4,3 triệu cái chết mỗi năm.

Để giải quyết vấn đề này, một mô hình mới do công ty đa quốc gia trụ sở tại Pháp Total S.A đẩy mạnh, đang được đánh giá rất cao trong việc phối hợp với chính phủ các nước, theo CNBC.

Châu Phi đang là thị trường có tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo và khác biệt giữa nông thôn và thành thị vẫn còn lớn. Tại các khu vực hẻo lánh, đèn - điện hay năng lượng nói chung thậm chí còn thiếu hụt đến mức báo động. Chính vì vậy, việc cung cấp một nguồn năng lượng tin cậy kèm theo mức giá phải chăng cho cả 1,5 tỷ người như trên không phải bài toán dễ dàng, mà đã được đề cập trong Mục tiêu phát triển bền vững số 7 của Liên Hiệp Quốc.

Giải pháp cho việc này đòi hỏi một sự kết hợp đôi bên cùng có lợi, tức nhà cung cấp cũng cần phối hợp tốt cho các dự án để cống hiến trong khi vẫn đảm bảo lợi nhuận của họ. Ông Philippe Cabus - Tổng giám đốc của bộ phận Sáng kiến và Năng lượng hiệu quả, thuộc dự án Total Access to Energy (tiếp cận năng lượng) của Total S.A, khẳng định, điều đầu tiên là tất cả các bên phải nhìn nhận đây là một công việc đầu tư - kinh doanh sinh lợi. Ông nói: "Đó cũng là một công việc kinh doanh như bao lĩnh vực khác, với sự phát triển rõ ràng, khả năng tạo ra lợi nhuận và những mục tiêu tạo ảnh hưởng".

Total S.A chia ra ba giai đoạn chính trong kế hoạch tổng thể. Đầu tiên là cung cấp các giải pháp bán lẻ năng lượng sạch với giá tốt, để dễ dàng tiếp cận với người sử dụng. Năm 2010, Total đã xây dựng dự án Awango by Total đầu tiên tại châu Phi. Ông Cabus tuần trước nói rằng dấu ấn tại địa phương là mục tiêu tiên quyết, vì nó tạo ra sự tin tưởng và thói quen của người dùng.

Đến nay Total đã có hơn 4.000 trạm dịch vụ cung cấp năng lượng mặt trời tại châu Phi, tiếp cận được gần 9 triệu người.

"Cung cấp sự tiếp cận ban đầu đến nguồn năng lượng này giúp tiết kiệm tiền, vì người dân không cần phải mua dầu hỏa hay đèn cầy nữa. Nó cũng hỗ trợ giáo dục vì giờ đây trẻ em có thể học vào ban đêm. Và nó thúc đẩy tính an toàn, sức khỏe và doanh nghiệp địa phương, ví dụ như loại bỏ khói trong nhà chẳng hạn", ông Cabus nói thêm.

Khi số lượng người dùng năng lượng mặt trời ngày càng tăng, giai đoạn thứ hai được triển khai năm 2016. Sau nhu cầu sạc điện thoại và đèn, khách hàng lúc này cần có nguồn điện, ổ cắm cho tivi, radio hoặc quạt gió, và một bộ tích trữ năng lượng mặt trời sẽ là giải pháp thay thế nguồn điện truyền thống. Solar Home Systems (SHS, tạm dịch là hệ thống điện mặt trời gia dụng), đã được giới thiệu. SHS sử dụng một tấm trữ năng lượng mặt trời trên mái nhà, qua bộ phận chuyển đổi và truyền điện vào các thiết bị cần sử dụng điện.

Thứ ba là, mở rộng SHS thành một dạng sử dụng lưới điện (mini grid hoặc microgrid) như một nhà máy điện thu nhỏ, có khả năng cung cấp điện cho từ 2.000 tới 3.000 hộ dân.

Điều trở ngại nằm ở mức giá. Nếu mỗi chiếc bóng điện có giá cỡ 30 USD, thì hệ thống SHS lại tiêu tốn 150 - 600 USD. Để giải quyết nhu cầu sử dụng nhanh, Total sử dụng hệ thống thanh toán qua điện thoại di động theo dạng trả góp, để từ 6 tháng tới 3 năm người sử dụng sẽ sở hữu luôn một hệ thống SHS. Tương tự, hình thức cung cấp lưới điện trước, trả góp dần cũng áp dụng đối với mô hình lưới điện cho nhiều hộ dân trong giai đoạn thứ ba.

Với tình hình phát triển đến nay, Total đặt mục tiêu đưa mô hình của mình nhân rộng lên 10 quốc gia châu Phi. Điều này đồng nghĩa mạng lưới hoạt động phải có đủ nhân sự để hướng dẫn, thuyết phục người sử dụng tin vào năng lượng mới cũng như xa hơn, là ý thức bảo vệ môi trường và giảm carbon. Ngoài ra, điểm quan trọng nhất là sự phối hợp với chính phủ các nước, nhằm tạo điều kiện phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực, ví dụ đơn cử là hệ thống tài chính vi mô hỗ trợ việc thanh toán trả góp như đã nêu.

Năng lượng luôn là một trong những ngành sinh lời lớn nhất, nhưng để phát triển hợp lý trong điều kiện như tại các vùng hẻo lánh tại châu Phi, đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện về làm ăn...

Theo THÁI BẢO

DNSG

Đọc tiếp »

7 người Việt bị bắt ở Nhật vì nghi ăn cắp mỹ phẩm xách tay về bán

Cảnh sát tỉnh Osaka đã bắt 7 người Việt Nam, tất cả đều khoảng 20 tuổi, với cáo buộc cầm đầu và tham gia một nhóm chuyên ăn cắp mỹ phẩm ở Nhật và mang về bán lại ở Việt Nam.

Nhật báo Mainichi đưa tin 7 sinh viên Việt Nam bị cáo buộc lập ra 2 nhóm chuyên ăn cắp mỹ phẩm hoạt động tại Tokyo và Osaka. Trong đó, một cựu sinh viên 23 tuổi tên Dao The Quang được cho là người cầm đầu, 6 người còn lại là sinh viên.

Quang và 2 thành viên của nhóm hoạt động tại Tokyo bị bắt vì ăn cắp 25 món mỹ phẩm trị giá khoảng 24.000 yen (gần 5 triệu đồng) tại một cửa hàng giảm giá ở Himeji, tỉnh Hyogo, vào tháng 10/2016. Trong khi đó, 4 người kia bị bắt vì ăn cắp một lượng lớn mỹ phẩm tại các cửa hàng bình dân và giảm giá ở quận Chuo (Osaka) vào tháng 5 và tháng 10/2016.

Tổng cộng, 7 người trên được cho đã ăn cắp tất cả 15 lần, tổng sản phẩm họ lấy cắp trị giá khoảng 1,3 triệu yen (khoảng 266 triệu đồng).

Các thành viên trong nhóm đến Nhật bằng visa du học sinh từ năm 2013 và sau đó. Họ theo học các trường dạy tiếng Nhật tại đây.

Mainichi cho biết các nghi phạm đã nói với điều tra viên rằng họ lấy cắp "để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt".

Thông qua Facebook, một phụ nữ Việt Nam đã nói với các du học sinh rằng bà sẽ mua sữa dưỡng làm trắng da, kem chống nắng và các sản phẩm khác do Nhật Bản sản xuất. Bà yêu cầu họ giao hàng hóa ăn cắp được cho Quang. Mỗi lần như vậy, họ nhận lại khoảng 100.000 yen hoặc ít hơn (khoảng 20 triệu đồng).

Trong khi đó, cũng qua Facebook, Quang tìm kiếm những sinh viên đang định về nước để nhờ mang mỹ phẩm về cùng. Đổi lại, Quang sẽ trả tiền vé máy bay cho họ. Cảnh sát tin rằng các sinh viên này không hay biết việc mỹ phẩm họ mang về là hàng ăn cắp.

Phần lớn các sản phẩm bị lấy cắp là loại không được phân phối chính thức tại Việt Nam.

Theo Phương Thảo

Zing

Đọc tiếp »

Tham khảo ý kiến chuyên gia về áp giá trần, sàn vé máy bay

Áp giá trần, giá sàn vé máy bay mới chỉ dừng lại ở ý kiến doanh nghiệp...

Tại buổi họp báo quý 1 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều 5/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc đưa ra giá sàn, giá trần đối với giá vé máy bay.

Việc đưa ra kiến nghị về mức giá sàn vé máy bay mới chỉ dừng lại là ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời.

Hiện, Cục Hàng không đang tham khảo lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành cũng như ý kiến của các bộ, ngành liên quan về vấn đề này.

“Cục Hàng không đang nghiên cứu đề xuất nâng giá trần, có giá sàn của hãng hàng không. Quyết định được đưa ra phải dựa trên hệ thống pháp luật về hàng không dân dụng, giá, cạnh tranh. Đồng thời, phải tính đến các yếu tố chính sách kinh tế vĩ mô, điều kiện phát triển thực tiễn của ngành hàng không Việt Nam, tham khảo thực tiễn quốc tế và đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết thêm, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực hàng không, bất cứ đề xuất gì của doanh nghiệp thì Bộ Giao thông Vận tải nói chung và Cục Hàng không nói riêng đều phải xem xét một cách cẩn trọng. Bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc áp giá vé hàng không tăng hay giảm đều ảnh hưởng lớn đến thị trường, không phải lĩnh vực nào cũng có thể để thị trường quyết định nhất là khi có phá giá, độc quyền.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng hiện nay người dân quan tâm đến giá sàn vé hàng không hơn là mức giá trần. Hiện Bộ đang giao Cục Hàng không nghiên cứu các nước lân cận. Tuy nhiên, việc áp giá trần giá sàn không vì lợi ích của hãng hàng không nào, quyết định được đưa ra phải vì lợi ích của người dân.

“Vấn đề này liên quan đến các hãng hàng không nên trước khi đưa ra quyết định Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình xin ý kiến của Chính phủ để có sự thống nhất từ đầu. Bộ sẽ tham mưu đầy đủ và báo cáo để thấy được tính chất giá trần, giá sàn ở Việt Nam và có câu trả lời”, ông Trường nói và cho biết thêm, lợi nhuận chính của các hãng hàng không phải là từ chất lượng dịch vụ chứ không phải tăng giá vé lên.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mạnh sắp tới Việt Nam sẽ có thêm cả hãng hàng không tư nhân quốc tế, vì vậy chính sách mới vừa tạo điều kiện cho người dân, lại vừa phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Việc này nhằm tránh tình trạng một số doanh nghiệp dịch vụ tăng lên nhưng lãi không tăng, thậm chí vẫn bị lỗ.

Trong dịp cao điểm sắp tới, ông Trường cho biết các hãng hàng không đều đã có đề xuất tăng mức giá vé 5%, điều này được cho là hợp lý vì nằm trong khung giá đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Trước đó, trong tháng 3, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific có văn bản góp ý về khung giá vé máy bay gửi Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, Vietnam Airlines đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất (sàn) cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất (trần) là 4,2 triệu đồng. Jetstar Pacific cũng kiến nghị áp dụng giá sàn từ 0,6 đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay.

Ngược lại, Vietjet Air không đồng tình khi cho rằng việc quy định giá sàn vé máy bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014. Hơn nữa, quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách cũng không còn phổ biến trên thế giới.

Theo Khánh Linh

VnEconomy

Đọc tiếp »

Ông Trump gây bất ngờ vì sa thải "cánh tay phải"

Steve Bannon là một trong những cố vấn được tin cậy nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất của ông Trump. Bannon đã có công rất lớn trong việc tạo nên làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc trong lòng các cử tri Mỹ, giúp ông Trump giành chiến thắng trong mùa bầu cử vừa qua

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (5/4) vừa có động thái tổ chức, sắp xếp lại cơ quan Hội đồng an ninh quốc gia (NSC). Theo đó, chiến lược gia trưởng Stephen Bannon đã bị loại khỏi hội đồng cố vấn trong khi các quan chức tình báo và quốc phòng cấp cao lại được khôi phục chức vụ.

Động thái lần này giúp gia tăng sức ảnh hưởng của Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster – người được coi là “”khắc tinh” của ông Bannon. Ngoài chuyện được tăng cường quyền lực ở NSC, ông McMaster cũng có thêm Bộ An ninh nội địa trong tay.

Đây là một động thái bất ngờ bởi cựu Chủ tịch của hãng tin Breitbart News – Steve Bannon – là một trong những cố vấn được tin cậy nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất của ông Trump. Bannon đã có công rất lớn trong việc tạo nên làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc trong lòng các cử tri Mỹ, giúp ông Trump giành chiến thắng trong mùa bầu cử vừa qua. Đồng thời việc bổ nhiệm Bannon vào hội đồng NSC cũng bị nhiều người chỉ trích.

Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng lại nhận định rằng đây là sự kiện dễ hiểu bởi Bannon vào ủy ban này chỉ là để giám sát Micheal Flynn (cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump) và ông cũng không bao giờ có mặt tại các cuộc họp. Đã có McMaster thì Bannon không cần thiết ở vị trí đó nữa.

Hôm 13/2, Flynn bị Trump sa thải vì đã không báo cáo cho Tổng thống (hoặc Phó Tổng thống Mike Pence) đầy đủ các chi tiết về chuyện liên lạc với đại sứ Nga trong giai đoạn trước khi ông Trump nhậm chức.

Theo Tú Anh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Mỹ phá đường dây bán visa cho giới nhà giàu Trung Quốc

Đặc vụ liên bang ở California ngày 5/4 bao vây 2 căn nhà và một doanh nghiệp bị cáo buộc liên quan đến đường dây lừa đảo thị thực (visa) trị giá khoảng 50 triệu USD.

Theo AFP, chính quyền ước tính đường dây này đã giúp khoảng 100 người giàu Trung Quốc được cấp visa cư trú ở Mỹ.

Theo thông tin từ FBI, các nghi phạm chính trong đường dây là Victoria Chan, luật sư hành nghề ở California, và cha cô này là ông Tat Chan. Họ bắt đầu từ năm 2008 bằng việc thuyết phục 100 người Trung Quốc đầu tư đến 50 triệu USD cho cái gọi là “Quỹ nhập cảnh đầu tư California (CIIF)” và cho các công ty liên quan để được cấp visa diện EB-5.

Chương trình EB-5 được xây dựng năm 1990, quy định sẽ cấp giấy phép để các công dân nước ngoài được định cư ở Mỹ (hay còn gọi là cấp thẻ xanh), đổi lại họ phải đầu tư ít nhất 500.000 USD vào một doanh nghiệp tại việc làm cho 10 người Mỹ. Vào năm 2014, 90% visa EB-5 được cấp là cho công dân Trung Quốc.

“Nhờ vào đường dây này mà rất nhiều người Trung Quốc đã được cấp thẻ xanh theo diện EB-5, ngay cả khi họ không thực sự đầu tư vào doanh nghiệp nào của Mỹ hay tạo ra việc làm mới nào cho Mỹ”, đặc vụ FBI Gary Chen nói.

Cá biệt, một số người người mà Victoria Chan giúp đỡ nằm trong danh sách 100 đối tượng bị Trung Quốc truy nã gắt gao nhất vì các tội như hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Victoria Chan và cha cô này đã hứa sẽ hoàn tiền đầy đủ cho các khách hàng, nhưng lén lút giấu bớt để mua nhiều ngôi nhà trị giá hàng triệu USD cho bản thân và cho kẻ đồng loã là Fang Zeng, một công dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau cuộc khám xét, nhà điều tra cho biết họ vẫn chưa bắt giữ các nghi phạm và chưa đưa ra cáo buộc chính thức.

Theo Minh Anh

Zing

Đọc tiếp »